Hệ sinh thái logistics thương mại điện tử trong kỷ nguyên số

Logistics thương mại điện tử chứng kiến kỷ nguyên tăng trưởng chưa từng có khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh trong năm 2021.

Hiện tại ít nhất 102 nhà cung cấp dịch vụ logistics chủ chốt, bao gồm những "ông lớn" với nền tảng vững chắc lẫn những doanh nghiệp mới nổi, đang hoạt động mtại thị trường Đông Nam Á. 2020-2021 là thời điểm cho thấy sự phát triển nhanh chóng và bùng nổ nhất của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử thế giới. Không chỉ "bành trướng" về mặt thị trường, lĩnh vực này còn nổi bật với những bước tiến vượt trội khi đưa những công nghệ hiện đại như big data và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình vận hành.

Theo Andy Huang, Giám đốc Logistics Tập đoàn Lazada, sự cải tiến này giúp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì, thậm chí gia tăng hiệu quả hoạt động gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống. Chính sự phát triển này của doanh nghiệp logistics đã góp phần giảm bớt sự quá tải nhu cầu thương mại điện tử trong hai năm trở lại đây.

Hệ thống phân loại tự động được vận hành gần như hoàn toàn bằng robot của Lazada Logistics. Ảnh: Lazada Việt Nam

Hệ thống phân loại tự động được vận hành gần như hoàn toàn bằng robot của Lazada Logistics. Ảnh: Lazada Việt Nam

Mặt khác, ông Andy Huang cũng chỉ ra chính sự phát triển nhanh chóng này đã mở ra những vấn đề mới về tính bền vững của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp logistics ra đời sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Song một số đơn vị chỉ tập trung cho một, hoặc một số, thị trường, đối tượng khách hàng nhất định, khá ít doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực.

Mở rộng quy mô theo hướng bền vững

Theo đó, làm sao để mở rộng quy mô đúng cách, đáp ứng đúng nhu cầu các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng là điều mà các công ty logistics cần chú trọng. Vị Giám đốc logistics nhận định cần xây dựng một hướng tăng trưởng bền vững bằng cách ứng dụng thực tiễn vào quy trình vận hành.

Cụ thể, ông Andy Huang khuyên mỗi doanh nghiệp logistics hãy xem bưu kiện như những "hành khách" trên các tuyến xe bus. Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ thiết lập duy nhất tuyến đường từ điểm A đến điểm B, mà mỗi tuyến lại do một nhà điều hành xe bus khác nhau đảm nhiệm, sẽ dẫn đến kéo dài lộ trình lẫn thời gian di chuyển.

Để khắc phục yếu tố này, ông gợi ý các doanh nghiệp nên có một "trạm trung chuyển xe bus". Đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa từ nhiều nơi khác nhau. "Hành khách" có thể lên xe bus của bất kỳ hãng nào tiện đường để đi trực tiếp tới điểm đến thay vì phải dừng nhiều trạm, khiến lịch trình bị trì hoãn.

"Sự tương tự của nút giao xe bus trong bối cảnh này sẽ giúp đặt nền tảng cho mạng lưới chuỗi tích hợp giữa cung ứng và logistics. Hệ thống ứng dụng công nghệ thông minh cho phép trải nghiệm thương mại điện tử tập trung vào khách hàng và hiệu quả hơn so với cách vận hành truyền thống", ông Andy cho hay.

Một nhà kho của Lazada ở Thái Lan. Ảnh: Lazada

Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra những thách thức doanh nghiệp logistics đối mặt hiện tại đều liên quan đến logistics thương mại điện tử. Tầm quan trọng của các thành viên trong hệ sinh thái không chỉ đến từ góc độ công nghệ mà còn nằm ở khả năng hiệu chỉnh lại mô hình hoạt động và kinh doanh của họ, hướng đến tăng trưởng bền vững dài hạn.

Giải pháp đầu tư dài hạn

Logistics thương mại điện tử hiện vẫn khá tách biệt với những khía cạnh khác trên thị trường. Việc thiết lập mạng lưới và cơ sở đầu cuối cho riêng lĩnh vực này phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư đáng kể để duy trì và vận hành. Ông Andy cho biết các doanh nghiệp nhỏ thường không đủ khả năng chi trả cho khoảng chi phí đầu tư này.

Theo đó, ông đưa ra gợi ý các doanh nghiệp nhỏ có thể hợp tác với những công ty cung cấp dịch vụ logistics đa kênh. Hai bên có thể cùng xây dựng một kho hàng, phục vụ riêng cho các nhà cung cấp và thương hiệu trên thương mại điện tử. Hình thức này có thể giúp mang lại lợi ích cho cả người bán, doanh nghiệp logistics nhỏ và các "ông lớn" trong ngành trên hành trình xây dựng dây chuyền vận chuyển, phân loại theo hướng bền vững.

Ngoài ra, với quy mô và khả năng đầu cuối, các nền tảng thương mại điện tử có thể khuyến khích người bán và đối tác của họ mở thêm lựa chọn dịch vụ giao hàng nhanh cho người dùng. Người bán có thể hoàn thành đơn hàng nhanh hơn, gia tăng khả năng hiển thị cửa hàng và tăng lưu lượng truy cập. Thời gian giao hàng rút ngắn là cách nhanh nhất để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tác động tích cực đến trải nghiệm mua sắm, tăng tỷ lệ tái mua hàng và kéo thêm khách hàng mới.

Nhờ sở hữu công ty logistics riêng, Lazada có thể tự phân loại đến 80% lượng hàng hóa và vận chuyển tận tay người dùng nhanh chóng, hạn chế tình trạng phụ thuộc doanh nghiệp logistics bên ngoài. Ảnh: Lazada Việt Nam

Ngành công nghiệp logistics thương mại điện tử đã trải qua chặng đường dài trong thập kỷ qua. Từ việc quản lý đơn đặt hàng bằng hệ thống Excel đến việc sở hữu một nền tảng quản lý dữ liệu tập trung, ngành này đã có những bước tiến vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu của người bán, thương hiệu lẫn khách hàng tiêu dùng.

Ông Andy Huang nhấn mạnh rằng khi cả thương mại điện tử và logistics cùng phát huy tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp lĩnh vực này buộc phải không ngừng cải tiến quy trình, hệ thống vận hành để thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường bùng nổ.

"Nếu muốn tạo ra một hệ sinh thái hậu cần thương mại điện tử bền vững và toàn diện,việc tích hợp các hoạt động logistics cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng. Mỗi doanh nghiệp cần xem việc lập kế hoạch nguồn lực và nhân lực như một thực thể duy nhất. Chỉ cần đạt được điều đó, doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử có thể cắt giảm kha khá chi phí kinh doanh, giúp các thương hiệu và nhà bán hàng thêm khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu", ông Andy Huang chia sẻ.

vnexpress
Thái Nghiên (Theo Business Times)

Tags