Tô Đông Pha, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống từng nói "đại dũng nhã khiếp, đại trí nhã ngu", ý muốn nói, kẻ dũng mãnh thực sự bề ngoài trông có vẻ nhát gan, kẻ trí tuệ đích thực bề ngoài trông lại giống như một tên ngốc.
Ông cũng nói "người thông minh, không tranh nghĩa khí nhất thời".
Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.
I) 3 không hỏi
1. Không liên quan đến bạn, đừng hỏi
Có người nói, thế gian này chỉ tồn tại hai chuyện: chuyện liên quan tới bạn, chuyện liên quan tới tôi.
Con người thường có xu hướng quan trọng hóa bản thân, cho rằng trái đất không có mình sẽ ngừng quay. Thực ra, bạn không quan trọng tới vậy, trái đất không có bạn vẫn sẽ quay đều, người khác không có bạn vẫn có thể sống tốt.
Chuyện không liên quan tới bạn, đừng cứ đâm đầu đi nghe ngóng cho bằng được. Có thể bạn có ý tốt, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được ý tốt đó của bạn, lòng tốt của bạn lỡ làm mọi chuyện xấu đi, vậy thì không những sẽ thêm rắc rối cho người khác mà bản thân cũng chẳng thể yên.
2. Tương lai bất định, không hỏi
Người Trung Quốc có câu nói "muộn thanh phát đại tài", ý muốn nói, đôi khi, im lặng, không khoa trương là một cách để bảo vệ lợi ích của bản thân, đối với những việc chưa biết trong tương lai, tốt nhất đừng nên hỏi đông hỏi tây, cứ tiếp tục âm thầm nỗ lực là được.
Chẳng ai có thể nắm bắt được tương lai, thứ chúng ta có thể làm tốt chính là nắm chắc hiện tại.
Đối với những chuyện chưa xảy ra, vội vàng thăm dò, nghe ngóng ngược lại sẽ chỉ khiến mình thêm hoang mang, tâm trạng bị nhiễu loạn, làm việc không thể chuyên tâm, hiện tại không thể chuyên tâm nỗ lực, tương lai vĩnh viễn sẽ chỉ là ảo tưởng.
Làm tốt chuyện nên làm, nỗ lực cho hiện tại, không hỏi tương lai, không vấn vương quá khứ.
Ngạn ngữ dân gian Trung Quốc có nói: "đản hành hảo sự, mạc vấn tiền trình", làm tốt chuyện nên làm, nỗ lực cho hiện tại, không hỏi tương lai, không vấn vương quá khứ.
3. Truy cứu tới cùng, không hỏi
Trong học tập, hỏi tới cùng là rất tốt, nhưng trong cuộc sống, truy cứu tới cùng ngược lại sẽ làm tổn thương tình cảm.
"Nước trong không có cá, người quá tò mò không ai chơi", đào tới tận gốc rễ vấn đề, đào càng sâu, vết thương càng lớn.
Hồ đồ là một môn học, đôi khi, giả ngốc, mắt nhắm mắt mở ngược lại lại là một sự bảo vệ. Đối với những việc người khác không muốn bạn biết, vậy thì đừng hỏi tới cùng, cứ nhất thiết phải làm rõ trắng đen mới thôi.
Thế giới không phải trắng đen rõ ràng, giữa trắng và đen còn tồn tại một mảng màu xám.
Bất luận là bạn bè hay người yêu, bất luận là cha mẹ hay con cái, ai cũng đều cần có một không gian hít thở riêng, cũng có những bí mật, cảm xúc không thể nói ra, bạn hiểu là được rồi.
II) 5 không nói
1. Lời vô nghĩa
Lời nói tuy không sắc nhọn nhưng vẫn có thể giết chết một con người.
Ngôn luận, lời nói là thứ vũ khí lợi hại nhất, đôi khi, những lời nói vô tình, không đâu truyền đi truyền lại, lại trở thành chân lý.
Người thông minh không nói những điều vô ích, cũng chẳng quan tâm mấy lời vô nghĩa. Lúc rảnh rỗi chi bằng nhìn lại bản thân nhiều hơn, mấy lời nói vô nghĩa chỉ càng làm tốn thời gian.
Lãng phí thời gian là một hành động tự sát chậm rãi, lãng phí thời gian của người khác lại là mưu tài hại mệnh họ.
Người thông minh là những người điều khiển thời gian, mỗi giây mỗi phút, mỗi lời nói ra đều là vàng ngọc, không nói những lời vớ vẩn không đâu.
2. Tiếng lòng
Phàm là nói chuyện với ai, cũng chỉ nên nói 3 phần, đừng dại mà "móc cả trái tim" của mình ra cho người khác thấy.
Vẽ người vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Lòng người cách một lớp da, da người dày mỏng khó đoán, đôi khi những lời thật lòng của bạn lại trở thành con dao người khác dùng để găm vào chính bạn.
Quen biết thì ít mà lời nói ra thì nhiều là đại kị của con người, đừng cứ gặp ai đều ngay lập tức xem là bạn tốt, đừng mang tất cả những lời trong lòng ra nói với người khác.
Quá trình trưởng thành của con người chính là quá trình hiểu ra thế giới vốn dĩ là sự cô đơn, độc lập.
Bớt móc hết tâm can của mình ra cho người khác xem, những chia sẻ, tâm sự của bạn, không phải ai cũng trân trọng, đôi khi nó chỉ là trò cười trong mắt người khác.
Dẫu sao, lời trong lòng cần nói với người thực sự hiểu và muốn hiểu.
3. Lời ca thán
Mất bò làm chuồng chẳng cứu vãn, oán thiên hận người có ích chi. Bớt ca thán, oán than, gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ chính mình.
Ngưỡng mộ người khác, được, nhưng ngưỡng mộ không được trở thành đố kị. Ngưỡng mộ đơn thuần sẽ trở thành động lực thúc bạn tiến về phía trước, không ngừng phấn đấu.
Nhưng ngưỡng mộ khi bị biến chất trở thành đố kị, vậy thì tâm lý sẽ nảy sinh sự mất cân bằng, hành vi sẽ trở nên lệch lạc.
Bớt ca thán lại, đừng trở thành người lan tỏa năng lượng tiêu cực. Con người, ai cũng thích ánh mặt trời ấm áp, chẳng ai thích mây mù âm u. Lời oán thán nhiều rồi, bạn bè tự nhiên sẽ ít đi.
Có sức ngồi ca thán chi bằng bắt tay vào lao động cho có ích.
4. Lời giả dối
Giả không bao giờ có thể thành thật, dù có mỹ hóa tới đâu, lời nói giả dối rồi cũng sẽ có ngày bị xuyên thủng, cũng giống như bong bóng, dù dưới ánh mặt trời có đẹp đẽ tới đâu, rồi cũng sẽ bị nổ.
Người thông minh không nói lời giả tạo. Bạn nói một lời giả dối, phải dùng hàng trăm ngàn sự ngụy biện khác để "nặn tròn" nó, khiến nó trở nên hoàn hảo, cũng giống như lăn quả cầu tuyết vậy, càng lăn càng to, cuối cùng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Một lần bạn nói dối là một lần bạn để lại cho người khác một cái mác không đáng tin, mác gắn lên không dễ, tháo xuống lại càng khó.
5. Lời khoác lác
Biết người là kẻ trí tuệ, biết mình là người thông minh, con người, quý ở tự biết mình.
Người thông minh trước giờ không khoác lác, huênh hoang, không "chém gió". Họ không bao giờ tùy tiện hứa với người khác việc gì nằm ngoài khả năng của mình.
Chỉ người thông minh thực sự mới không để ý tới sĩ diện, không cần phải dùng sự khoác lác để lấp đầy sự hư vinh, sĩ diện hão của mình.
Không khoác lác, người quân tử, lời nói ra chắc như đinh đóng cột, chuyện không làm được nhất định không đồng ý.
Người thực sự thông minh trước giờ không biết mình có thể làm gì, mà biết mình không nên làm những gì.
Không phải lời nào cũng nói, cũng không phải việc gì cũng hỏi, khi bạn học được cách "ngậm miệng" đúng lúc là khi bạn nắm bắt được trí tuệ đời người.
Theo Tri thức trẻ