Thương trường hay chiến trường, cạnh tranh hay khác biệt?

Nói thương trường là chiến trường vậy sao ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành lập, họ làm gì để tồn tại, chọn CẠNH TRANH hay sự KHÁC BIỆT?

Những doanh nghiệp non trẻ bước vào kinh doanh với tinh thần khởi nghiệp đầy năng lượng và nhiệt huyết, tự tin và lạc quan, dù có lường trước thương trường là chiến trường thì “đời cũng không như là mơ”, cho đến khi vấp ngã do sai lầm trong chiến lược mới thấy rõ sự khốc liệt của trận địa.

Sự khốc liệt không chỉ nằm trong rủi ro cạnh tranh, doanh nghiệp còn phải đau đầu “chuẩn bị tinh thần” để đối phó với chiêu trò, mưu mẹo của đối thủ thậm chí cả sự lừa đảo. Nếu trên chiến trường, đối thủ tiêu diệt nhau bằng vũ khí súng ống đạn dược, thì trên thương trường doanh nghiệp cũng quyết liệt loại trừ nhau bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn.

Doanh nghiệp nào cũng muốn có nhiều khách hàng để có nhiều lợi nhuận, doanh nghiệp nào cũng muốn thống lĩnh thị phần để làm vua, cho nên sự xuất hiện của doanh nghiệp này thì đối với doanh nghiệp kia là “cái gai trong mắt” và họ sẵn sàng dùng mọi cách để “nhổ gai”.

Tuy nhiên, một Doanh nghiệp làm ăn chân chính đâu cần dùng thủ đoạn để cạnh tranh cho dù hiểu rõ thương trường là chiến trường, họ tập trung vào xây dựng chiến lược để tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng và hướng đi riêng của mình bởi trong cạnh tranh thì người tiêu dùng mới quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ tự triệt tiêu nếu họ không hướng tới mục tiêu phục vụ người tiêu dùng.

Chính vì vậy, thay vì luôn tìm cách hạ bệ đối thủ bằng những chiêu trò, thủ đoạn, doanh nghiệp hãy tập trung vào lợi thế và xây dựng chiến lược riêng, thương trường càng khốc liệt càng là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện bản lĩnh.

Do đó cạnh tranh dù là tất yếu nhưng khác biệt mới quyết định sự tồn tại và chiến thắng sẽ thuộc về người dũng cảm nhất sẵn sàng chiến đấu tới cùng.

St