Thương trường như chiến trường: Áp dụng đúng 6 chiến thuật lợi hại này của Binh pháp Tôn Tử vào kinh doanh, ắt sẽ trăm trận trăm thắng!

Kinh doanh thật ra chính là một loại chiến trường - nơi người ta dùng mưu, tính kế để đấu đá lẫn nhau, hòng giành lợi ích về cho mình. Đó chính là lý do ngày càng có nhiều doanh nhân tìm tới "Binh pháp Tôn Tử" - cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chiến tranh do vị danh tướng vĩ đại người Trung Quốc chấp bút.

Dù hàng nghìn năm đã trôi qua, những triết lý khôn ngoan của Tôn Tử vẫn chứng minh được giá trị của chúng trong thế giới hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh. Nhân vật Gordon Gekko trong bộ phim huyền thoại "Phố Wall" từng nói: "Tôi không ném phi tiêu một cách mù quáng. Tôi đặt cược vào những điều chắc chắn. Cứ đọc Binh pháp Tôn Tử đi. Người giỏi dụng binh đặt mình vào thế thắng trước rồi mới giao tranh".

Dưới đây là 6 bài học trong Binh pháp Tôn Tử mà bất cứ người làm kinh doanh nào cũng nên áp dụng để giành phần thắng về cho mình.

1. Nắm bắt thị trường mà không hủy hoại nó

"Người đánh trăm trận trăm thắng, chưa chắc đã là vị tướng thiện chiến; không đánh mà khuất phục được địch, đó mới là vị tướng giỏi nhất trong những tướng giỏi."

Đôi khi, người làm kinh doanh quá mải mê cạnh tranh với nhau, để rồi khi giành được thị trường thì lợi nhuận cũng đã hao hụt. Tuy nhiên, như Tôn Tử đã nói, người không đánh mà vẫn nắm được chiến thắng mới là kẻ thực sự chiến thắng cuối cùng.

Để thành công, bạn phải giành được thế tiên phong, nhưng vẫn duy trì một thị trường lành mạnh. Có rất nhiều cách để làm điều này như: phát triển những cách tiếp cận mới để phục vụ thị trường, hoặc sử dụng các chiến thuật ngầm mà không đánh động đối thủ.

Amazon đã chiếm phần lớn thị trường bán lẻ sách, sau đó mới mở rộng sang các mặt hàng khác. Dịch vụ xem phim Netflix đã vượt mặt Blockbuster với mô hình kinh doanh khác biệt mà chính Blockbuster đã từng coi thường.

2. Tránh điểm mạnh, tấn công vào điểm yếu

"Binh pháp giống như nước; nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ trũng. Chiến tranh cũng vậy; cách tốt nhất để giành thắng lợi là tránh điểm mạnh và tấn công và điểm yếu của quân thù."

Nhiều công ty tấn công trực tiếp vào đối thủ cạnh tranh với hy vọng sẽ giành được lợi nhuận. Thế nhưng, việc đánh trực diện vào điểm mạnh chỉ làm hao tổn nguồn lực của mình và kích thích đối phương đánh trả dữ dội.

Bạn phải nhớ rằng, điểm yếu của đối phương chính là điểm mạnh của mình. Nếu biết đáp ứng những nhu cầu của thị trường mà đối thủ không làm được, bạn sẽ chiếm lợi thế và gia tăng lợi nhuận của mình.

Walmart chính là một ví dụ. Thay vì đối đầu với những nhà bán lẻ lớn ở thành phố, họ tìm về các thị trấn nhỏ. Nhờ đó, Walmart đã loại bỏ được các đối thủ yếu hơn ở địa phương, đồng thời tăng trưởng mạnh mẽ. Sau này, khi Kmart trực tiếp cạnh tranh về giá với Walmart, Kmart đã không thể thắng được mô hình chi phí thấp - vốn là điểm mạnh của Walmart.

3. Hiểu rõ cả mình lẫn đối thủ

"Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng."

Trong kinh doanh, hiểu rõ được điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ là chưa đủ, mà phải nắm rõ được năng lực của bản thân. Chỉ khi nắm bắt được đầy đủ thông tin, bạn mới có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan, để giành chiến thắng hoặc giảm thiểu thiệt hại.

Cuộc chiến giữa McDonald’s và Burger King chính là một ví dụ. Burger King quyết định tấn công món ăn trứ danh của McDonald’s - khoai tây chiên, bằng cách làm ngon hơn đối thủ. Biết được điều này, CEO của McDonald’s đã gửi thư khẩn tới mọi cửa hàng, nói rằng "Burger King sắp tấn công tổng lực vào một trong những thứ vũ khí tuyệt nhất của chúng ta - khoai tây chiên". Sau đó, ông đã ban hành hướng dẫn chi tiết để đảm bảo chỉ những miếng khoai tây chiên ngon nhất được phục vụ cho khách hàng. Nhờ hiểu rõ kế hoạch của đối thủ, McDonald’s đã chiến thắng.

4. Lợi dụng tốc độ để vượt qua đối thủ

"Tốc độ là cốt lõi của chiến tranh. Nhân lúc kẻ địch không chuẩn bị, không nghĩ tới mà bất ngờ xung kích giành thắng lợi."

Trong kinh doanh, tốc độ cũng yếu tố quan trọng. Nếu không thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, doanh nghiệp không thể tồn tại. Bạn phải là kẻ đầu tiên nắm bắt cơ hội và nhanh nhạy trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng thì mới có cơ may giành chiến thắng.

Những công ty như Coca Cola không ngừng sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, giúp khách hàng có nhiều có nhiều sự lựa chọn hơn.

5. Lôi kéo đồng minh, kiểm soát các cứ điểm chiến lược

"Người chỉ huy tác chiến giỏi là người có thể điều khiển quân địch, chứ không thể theo sự điều khiển của quân địch."

Bằng cách thiết lập liên minh với các công ty khác, một doanh nghiệp có thể học hỏi những điều mới, cũng như tiếp cận với nhiều thị trường rộng lớn hơn. Thậm chí, "bắt tay" với đối thủ cũng là một nước đi cực kỳ thông minh.

Kiểm soát các vị trí chiến lược cũng là một cách khác để thành công. Bằng cách sở hữu bằng sáng chế quan trọng, vị trí trong hội đồng tiêu chuẩn, thương hiệu lớn hay mối quan hệ với khách hàng, bạn có thể đạt mức lợi nhuận không tưởng. Chẳng hạn, 2 đối thủ "truyền kiếp" Samsung và Apple đã cùng hợp tác để người dùng TV thông minh của hãng điện tử số 1 Hàn Quốc có thể truy cập các nội dung dành cho TV trên iTunes. Nhờ đó, Apple có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

6. Trở thành người lãnh đạo tài giỏi để phát huy tối đa tiềm năng của nhân viên

"Phải mềm mỏng, độ lượng để quân sĩ đồng lòng; dùng quân pháp nghiêm minh để quân sĩ nhất nhất tề chỉnh thì mới có thể khiến quân sĩ kinh sợ và phục tùng."

Để có thể thấu hiểu và áp dụng triết lý của Tôn Tử, người lãnh đạo không chỉ cần thông minh mà phải có nhân cách đứng đắn. Thiếu nhân cách, sự thấu hiểu và lòng cảm thông, người đó không thể nào dẫn dắt nhân viên đi đúng hướng, hay đem đến những giá trị đích thực cho khách hàng về lâu dài.

Làm theo được 6 nguyên tắc này, nhất định bạn sẽ thành công. Cuộc chiến kinh doanh khốc liệt không thể nào thắng lợi nếu thiếu đi những tri thức quý giá này từ quá khứ.

CafeF