CHIẾN LƯỢC KINH DOANH KIỂU JUDO: BIẾN SỨC MẠNH CỦA ĐỐI THỦ CẠNH TRANH THÀNH LỢI THẾ

Cổ nhân đã có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Thương trường cũng như chiến trường, các doanh nghiệp khó mà “tránh mặt” với các đối thủ cùng kinh doanh, sản xuất cùng lĩnh vực, sản phẩm. Với chiến lược kinh doanh kiểu Judo (tên môn võ), điểm mạnh của đối thủ không còn là điều đáng sợ. Nếu biết cách tận dụng thì ưu điểm của đối thủ lại chính là lợi thế của mình.

Judo bắt nguồn từ “Jujisto” – một môn phái của các võ sĩ Samurai trong thời đại phong kiến Nhật Bản. Đặc điểm của loại hình võ thuật này được thể hiện trong chính cái tên: Ju” có nghĩa là nhường bước và “Do” có nghĩa là mềm dẻo. Về cơ bản, muốn chiến thắng trong trận đấu Judo, các võ sĩ phải dùng kỹ năng nhiều hơn sức mạnh. Sử dụng toàn bộ sức mạnh để hạ gục đối thủ là phạm luật của môn võ này.

1. Các nguyên tắc của môn võ Judo

Để chiến thắng Judo cần có 3 kỹ năng:

- Di chuyển là để đối thủ yếu thế đi vì mất thăng bằng không ra đòn được

- Giữ thế thăng bằng khi phòng thủ

- Sử dụng đòn bẩy để tăng sức mạnh.

2. Áp dụng chiến lược kinh doanh của Judo

Các nguyên tắc của môn võ Judo có thể phát triển thành các chiến lược kinh doanh được dùng để tạo lợi thế trong cạnh tranh tấn công các công ty lớn mạnh hơn cũng như phòng thủ khi bị các công ty khác tấn công.

a, 3 chiến thuật di chuyển

- Dấu kín các bước đi

Trong giai đoạn khởi nghiệp, mọi thứ còn đang rất non trẻ, bạn sẽ không đủ sức để đấu với các đối thủ đã có nhiều kinh nghiệm. Tốt nhất, đừng nên thu hút quá nhiều sự chú ý của đối thủ tại thời điểm này. Khi sức mình còn yếu, phòng thủ vẫn hơn.

Tất nhiên, nếu muốn thu hút khách hàng và đối tác biết đến, doanh nghiệp bạn vẫn có thể ra mặt nhưng hãy khéo léo một chút để tạo được uy tín và danh tiếng cho mình mà không lo liệu có khiêu khích đối thủ để bị tấn công hay không.

- Xác định lại nội dung cạnh tranh

Giấu kín lực lượng về cơ bản là phòng thủ. Tuy nhiên doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển phải chuyển sang chiến lược tấn công. Các doanh nghiệp thành công nhờ một số thế mạnh, để cạnh tranh với họ rất khó. Tuy nhiên, họ sẽ có những điểm yếu vì đã tập trung đầu tư tự nhiên vào thế mạnh. Muốn đánh bại họ phải tìm ra các điểm yếu này và tập trung vào đó.

- Nhanh chóng tiến công

Với hai chiêu thức trên sẽ tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội và doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này trước khi đối thủ lớn hơn nhận ra “con bài” của chúng ta. Lúc đó, họ sẽ dùng sức mạnh để triệt tiêu mình. Doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng xây dựng định vị thương hiệu, xây dựng nguồn lực vững mạnh để đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

b, 3 chiến thuật giữ thế thăng bằng

- Tránh ăn miếng trả miếng

Mặc dù các doanh nghiệp còn non trẻ không ai muốn đối đầu, họ chỉ muốn tập trung xây dựng và phát triển nhưng không thể tránh khỏi sự tấn công của đối thủ. Thế cân bằng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi phản xạ tự nhiên của con người khi bị tấn công là đáp trả lại đòn. Tuy nhiên, trong chiến lược kinh doanh kiểu Judo ăn miếng trả miếng chỉ là giải pháp cuối cùng.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ đối thủ cạnh tranh và tìm ra điểm mạnh điểm yếu của chính mình để có biện pháp ứng biến an toàn, ít hao tốn nhân lực và tiền bạc của tổ chức. Sự đáp trả đối thủ rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng leo thang. Do vậy, trong một số trường hợp ta nên “án binh bất động”.

- Đẩy khi bị kéo

Hai chiến thuật ghìm giữ đối thủ và ăn miếng trả miếng sẽ giúp mình giảm thiểu tối đa sự tấn công. Chiến thuật đẩy khi bị kéo chính là dùng sản phẩm, dịch vụ của đối thủ để phản công lại đối thủ. Đây không phải là chiến thuật hay nhưng nếu bị đòn đến bước đường cùng thì vẫn nên sử dụng.

- Chủ động ngã

“Chủ động ngã” được dùng nhiều trong các môn thể thao không riêng gì Judo. Khi hoạt động kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn không thể tìm hướng giải quyết hoặc bị đối thủ chèn ép quá nhiều, doanh nghiệp nên chủ động rút lui để tìm hướng đi mới. Đây không phải là sự thất bại hèn nhát, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều nên chủ động ngã khi cần thiết.

d, 3 chiến thuật sử dụng đòn bẩy

- Dùng tài sản của đối thủ làm đòn bẩy

Chiến thuật sử dụng đòn bẩy chính là chiến lược kinh doanh kiểu Judo biến điểm mạnh của đối thủ thành lợi thế của mình. Các tài sản vô hình của đối thủ như máy móc, nhà xưởng hay vô hình như nhãn hiệu, bản quyền, thương hiệu để có thể sử dụng để chống lại chính họ.

- Dùng đối tác của đối thủ làm đòn bẩy

Những doanh nghiệp lớn thường có một số lượng lớn các đối tác, nhà phân phối, đại lý,… đây chính là một nguồn tạo nên lợi thế cho họ. Bằng cách tạo ra mâu thuẫn giữa họ với đối tác của họ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chiến thắng trong việc tạo đòn bẩy để tiến lên.

- Dùng đối thủ của đối thủ cạnh tranh làm đòn bẩy

Người ta vẫn hay nói: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn.” Doanh nghiệp có thể gia tăng giá trị sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như: Netcape đã sản xuất một phần mềm chạy trên hệ điều hành Unit, đối thủ cạnh tranh chính của Windows NY. Doanh nghiệp có thể liên kết mình với đối thủ của đối thủ cạnh tranh như trường hợp JVC liên kết với các đối thủ của Sony như Hatachi, Sharp, Sanyo, Toshiba để chống lại Sony.

Chiến lược kinh doanh sẽ là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp định hướng được đường đi, nước bước của mình. Muốn tồn tại trên thương trường, đôi khi chúng ta phải “ranh ma” hơn đối thủ một chút nhưng không ai là kém cỏi hơn ai bởi mỗi doanh nghiệp đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. “Thêm bạn bớt thù” vẫn được nhiều doanh nghiệp mong muốn hơn trong thời hiện đại.

Theo Saga