Được sự đồng ý của chị, iDauTu.com muốn chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm đầy giá trị này. Hy vọng rằng điều này sẽ giúp các bạn có thêm động lực và niềm tin để thực hiện những kế hoạch của chính mình
Ở Amazon, chị ấy đã học được điều gì?
Câu trả lời thứ 2 cho câu hỏi “Đã học được gì ở Amazon?”: Đó chính là : embrace failure – chấp nhận – chào đón sự thất bại. Vì sự cool ngầu của Product Manager (PM) ở Amazon được thể hiện bằng “Bạn đã đánh sập trang chủ .com mấy lần vì lỗi của sản phẩm” hoặc “Bạn đã nhận được bao nhiêu email từ Bezos?”
Trước khi vào Amazon, mình thấm nhuần tư tưởng Á Đông – cái gì cũng phải cố gắng hướng tới sự tuyệt đối (A+, 100% vẫn tốt hơn 99%). Mình sợ thất bại, ngại chia sẻ, vì khi nói ra thì có cảm giác cả thế giới sẽ phủ nhận tất cả những cố gắng và thành quả từ trước đến giờ của bản thân. Thế nên lần đầu khi được yêu cầu launch /deploy – triển khai 1 sản phẩm mà tại thời điểm đó đối với mình là chưa hoàn hảo, đây là một quyết định khá khó khăn. Mình họp với sếp cũng trên dưới 5 lần, mỗi lần được hỏi “Can you ship it?” mình đều có lý do thuyết phục cho việc tại sao nên đợi 1-2 tháng nữa đến khi mình có feature X Y Z.
Nhưng thực tế là …
Sếp mình bảo: “Bạn có biết ở Amazon, việc khoe mình đã launch những sản phẩm nào, cho dù cool đến mấy, cũng không cool bằng việc đã launch sản phẩm và vô tình có lỗi dẫn đến đánh sập 1 trong những hệ thống lớn (*) của Amazon hoặc launch sản phẩm mà làm khách hàng phàn nàn để rồi nhận được email từ jeff@ không?”
((*) Lỗi trên hệ thống lớn – mức độ nghiêm trọng ở cấp cao nhất của Amazon – được định nghĩa bằng việc khi lỗi cần được giải quyết trong vòng vài phút do hệ thống ảnh hưởng đến hoạt động chung của Amazon.)
Sếp mình kể lại: Trong 1 lần quyết định ship nhanh, sếp và team đã đánh sập trang chủ amazon.com trong vài tiếng. Hệ quả là VP ngày đó triệu tập dàn PM superstars đứng xếp hàng nối đuôi nhau ngoài phòng làm việc đợi đến phiên bị nghe mắng. Ngày hôm sau khi họp team, VP lại phán: “Well done!”. Lí do là vì đánh sập trang chủ vài tiếng trong 1 ngày bình thường, còn hơn là bị sập trong Prime Day (khi có hơn 15 triệu lượt truy cập). Launch sớm, sập sớm, phát hiện lỗ hổng sớm. Sếp bảo: “Lần đánh sập đấy là thành quả đáng tự hào nhất của sự nghiệp PM tại Amazon”. Và mình nghĩ là sếp nói thật, vì chẳng thấy sếp nhắc đến lần launch được lên báo bao giờ.
Trong 1 lần khác khi launch sản phẩm chưa hoàn hảo, khách hàng gửi email về Bezos khiếu nại, lên cả báo, PR/legal cũng vào cuộc. Team nhận email fwd: với dấu chấm hỏi “?” quen thuộc và làm việc thâu đêm để trả lời lý do tại sao lại launch với lỗi như vậy. Chuyện rồi cũng qua, nhưng mình chưa thấy PM nào bị ảnh hưởng tiêu cực từ những lần launch thất bại. Sếp mình nhận tổng cộng chắc không dưới 10 lần các thể loại email như vậy.
Bài học nhận được sau những lần xảy ra sự cố là gì?
Thế nên cứ launch, vì tình huống xấu nhất là thêm 1 huy chương vào danh sách hoặc cùng lắm là nhận được email của Bezos. Tư tưởng “move fast fail fast” này thấm nhuần trong cách viết và trình bày ý tưởng tại Amazon. Một báo cáo chiến lược sản phẩm có thể có đến 50% nội dung liệt kê các lý do sản phẩm này có thể sẽ thất bại và đưa ra kế hoạch để giải quyết nó. Các cuộc họp trong thời kỳ đầu lên ý tưởng sản phẩm đều xoay quanh câu hỏi “What do you NOT like about it?” – Bạn không thích điều gì ở sản phẩm? – và đi tìm những ý kiến dìm hàng từ câu hỏi “Tại sao không nên launch sản phẩm này?”. Một khi tất cả các lý do này được phát hiện và giải quyết, phần thuyết phục và đánh bóng cho nó chính ra lại dễ dàng hơn rất nhiều.
Sau lần đấy, mình thay đổi suy nghĩ về cả thất bại và về cách quyết định khi launch. Từ khi nào không biết, khi nói chuyện xin ý kiến tư vấn (cả về sản phẩm hoặc về sự nghiệp), mình đều muốn nghe từ những người đã làm và đã thất bại và hỏi “Anh/chị đã bao giờ thất bại khi làm việc này chưa? Và có thể chia sẻ thêm không?”. Lời khuyên từ họ “What not to do or What I did that failed” – Những gì không nên làm – có tính ứng dụng hơn là “What to do” – Những gì nên làm.
Nói thì khó nhưng làm sẽ dễ hơn nếu những người xung quanh và đặc biệt là sếp thật sự sống cùng với quan điểm đó. “Where did you fail?” – Bạn đã thất bại ở đâu? – Mình có lần launch nhanh bị lỗi nhưng cấp độ nghiêm trọng chưa được mức cao nhất, nên cũng hơi buồn. Đằng nào cũng là lỗi, thì lỗi hoành tráng luôn có phải vui hơn không?
Bài viết lấy thông tin từ Ms. Kelly Chi Nguyen – Senior Product Manager of Amazon.
Quyên Lê