Nghich lý cái "tôi" và bí quyết hạ thấp cái "tôi" để thành công

Cái tôi và sự hiểu biết

Trên bãi biển Trivandrum, có một người đàn ông đang ngồi đọc quyển Bhavagad Gita – một cuốn sách tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ.

Đúng lúc đó, có một chàng trai trẻ tuổi, tài năng theo thuyết vô thần đi tới và ngồi cạnh người đàn ông có tuổi kia.

Liếc nhìn thấy quyển sách, chàng trai tỏ ý khinh thường, bâng quơ nói một câu: “Thời đại của khoa học rồi thì chỉ có những kẻ ngốc mới còn ngồi đọc cuốn sách lỗi thời như Bhavagad Gita. Nếu ông dành thời gian mà nghiên cứu khoa học thì hẳn là đã giúp được cho đất nước này nhiều hơn rồi”.

Nghe thấy vậy, người đàn ông ngước lên nhìn, không tỏ vẻ giận dữ gì, chỉ hỏi lại người thanh niên trẻ tuổi: “Vậy cậu là ai? Cậu làm nghề gì?”.

Chàng trai không giấu nổi sự tự hào, đáp lại ngay lập tức: “Tôi ý hả? Tôi là một nhà khoa học tốt nghiệp đại học tại Kolkata (Calcutta). Tôi đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha. Ông đã từng nghe nói đến chưa vậy?”

Dường như vẫn cảm thấy chưa đủ, chàng thanh niên lại một lần nữa nhấn mạnh rằng nếu người đàn ông cứ tiếp tục đọc quyển Bhavagad Gita thì sẽ chẳng đạt được điều gì có ích đâu.

Người đàn ông mỉm cười, không nói gì. Rồi ông ta đột nhiên đứng lên ra về. Lập tức, 4 vệ sĩ xuất hiện và vây quanh người đàn ông, rồi một chiếc xe sang trọng từ đâu chạy đến và dừng lại ngay trước mặt ông ta.

Kinh ngạc trước điều được chứng kiến, chàng thanh niên buột miệng hỏi: “Ông là ai vậy?”.

Người đàn ông mỉm cười, trả lời: “Vikram Sarabhai – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha”.

Nghe thấy tên trung tâm, chàng trai như hóa đá tại chỗ, miệng cứng lại không biết nói gì hơn. Đó chính là nơi mà anh ta đang làm việc và cống hiến.

Hóa ra, người đàn ông mà anh ta vừa tỏ ý coi thường cách đây vài phút chính là Vikram Ambalal Sarabhai, một nhà khoa học nổi tiếng của Ấn Độ, người được coi là Cha đẻ của Chương trình Không gian Ấn Độ. Thời điểm đó, Ấn Độ có 13 trung tâm được lấy tên của Vikram Sarabhai. Ông cũng được đích danh Thủ tướng Ấn Độ lúc đó chỉ định là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nguyên tử.

Vikram Ambalal Sarabhai, một nhà khoa học nổi tiếng của Ấn Độ

Quá xấu hổ vì sự kiêu ngạo của mình, một lúc sau, người thanh niên đã phủ phục xuống chân của Vikram Sarabhai để cầu xin sự tha thứ.

Đến lúc này, Vikram Sarabhai mới bảo người thanh niên hãy đứng dậy, rồi từ tốn nói rằng: “Thời nào cũng có những công trình sáng tạo và những người đứng đằng sau chúng, tất cả đều rất đáng trân trọng. Dù đó là thời của sử thi Mahabharata hay thời hiện đại của Ấn Độ thì chúng ta đều phải biết ơn những người đi trước”.

Chàng trai cúi đầu không nói gì. Từ đó về sau, ai cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi tích cực của anh ta. Không còn kiêu ngạo, hống hách và tự tin thái quá nữa, chàng thanh niên ngày đêm say sưa làm việc và âm thầm góp sức mình cho sự phát triển của nền khoa học Ấn Độ.

. Có rất nhiều người khi đạt được chút thành tựu thì đã tỏ vẻ kiêu ngạo, huênh hoang, coi thường người khác mà không hiểu được một quy luật trên đời, đó là núi cao ắt sẽ có núi cao hơn, nhân tài trên đời không thiếu, chỉ là bạn có được gặp hay không thôi.

"Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to."

Chính vì thế, nếu tự cho bản thân mình là nhất, thì sẽ có ngày ta chỉ tự chuốc lấy rắc rối, biến mình thành kẻ hợm hĩnh, thành trò cười trong mắt của người khác mà thôi.

Nghịch lý: CÁI TÔI CÀNG HIỂU BIẾT THÌ CÁI TÔI CÀNG KHIÊM NHƯỜNG

Cuộc sống luôn tồn tại nhiều vấn đề không thể định nghĩa trọn vẹn, cái tôi là một trong những vấn đề đó. Nếu hỏi 10 người khác nhau thế nào là cái tôi, bạn sẽ nhận được mười câu trả lời khác nhau. Đơn giản vì cái tôi của mỗi người mỗi khác, nhận thức của mỗi người không ai giống ai, nó phụ thuộc vào gen di truyền, môi trường sống, mức độ giáo dục được tiếp nhận.

Điểm đặc biệt của cái tôi chính là nó tồn tại ở cả hai dạng tích cực lẫn tiêu cực, nghĩa là dù cái tôi của bạn xấu hay tốt, nó vẫn được gọi là cái tôi. Tất nhiên, nếu bạn muốn thành công, bạn phải rèn luyện cho mình một cái tôi tích cực, hóa giải cái tôi tiêu cực. Vậy thế nào là cái tôi tích cực và thế nào là cái tôi tiêu cực?

Cái tôi tích cực chính là khả năng tự nhận thức cao, cái tôi tích cực giúp bạn trả lời câu hỏi bạn là ai, bạn khác biệt như thế nào, bạn có những phẩm chất gì để thành công. Từ những hiểu biết về bản thân, bạn sẽ học được cách yêu quý, trân trọng chính mình, đây là nguồn gốc sản sinh ra những phẩm chất như tự tin, tự trọng, kiên cường, can đảm, mạnh mẽ... Những phẩm chất này sẽ giúp con người khám phá và mở rộng khả năng nhận thức thế giới tới vô hạn.

Trong việc cư xử giữa người với người, người có cái tôi tích cực “biết mình biết ta”, biết khi nào nên tiến nên lùi, biết lời nào nên và không nên nói. Cách cư xử ôn hòa, dung dị của người có cái tôi tích cực là thái độ sống đúng đắn của con người, nó giúp họ đứng ngoài thị phi và xung đột. Tuy có vẻ nghịch lý nhưng càng hiểu biết càng thấy mình tầm thường, cái tôi càng hiểu biết thì cái tôi càng khiêm nhường.

Khả năng nhận thức sâu sắc còn giúp người có cái tôi tích cực nhận ra sự thiếu sót của bản thân. Đó là động lực khiến họ không ngừng tìm kiếm những chân trời mới, những tri thức mới chứ không dễ dàng ngủ quên với những gì đã đạt được. Thành tựu của người có cái tôi tích cực vì thế càng lớn và nhân cách của họ vì thế càng được hoàn thiện.

Trái ngược với cái tôi tích cực, cái tôi tiêu cực phản ánh khả năng nhận thức không đầy đủ của con người. Sự hạn chế trong nhân cách, mức độ giáo dục, ý thức hệ gia đình khiến chúng ta thiếu hiểu biết về bản thân và có thế giới quan lệch lạc.

Chẳng hạn, sống trong một gia đình có bố mẹ luôn than thở về sự nghèo khó, hay đổ lỗi cho số phận, thì đứa con có khả năng suy nghĩ bi quan, cái tôi của đứa bé trở nên thụ động, mặc cảm, tự ti. Những đứa trẻ ấy tự giới hạn khả năng của chúng vì suy nghĩ tất cả đã được số phận đặt định. Chúng mất đi động lực phấn đấu, trở nên an phận, chấp nhận khẩu phần khiêm tốn mà cuộc sống dành cho mình. Cuối cùng, chúng lại trở thành những người bố, người mẹ và lại tiếp tục điệp khúc than vãn, đổ lỗi, những thế hệ sau tiếp tục trở thành nạn nhân của thế hệ trước.

Không quá khó để thấy rằng cái tôi tiêu cực tạo ra những cái lồng và giết chết tiềm năng của con người từ khi chúng ta còn trong trứng nước. Cái tôi tiêu cực chẳng những khiến chúng ta tự giới hạn bản thân mà còn khiến con người trở nên tự phụ. Càng không nhận thức được thì cái tôi càng phình to, càng yếu kém thì cái tôi càng kiêu hãnh.

Nên nhớ: Khiêm tốn là một trong những bài học làm người đầu tiên mà bất kỳ ai cũng phải ghi nhớ.

Theo Moral Stories