Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, Yahoo chính thức không còn là công ty độc lập nữa. Tuần trước, đại gia viễn thông Mỹ Verizon đã hoàn tất hợp đồng mua lại mảng kinh doanh internet của Yahoo với giá 4,48 tỷ USD.
Dấu chấm hết
Từng là công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, Yahoo sắp tới chỉ còn tồn tại ở một số mảng “chưa bị bán”, và đổi tên thành Altaba, với phần lớn cổ phần thuộc về đại gia kinh doanh trực tuyến Alibaba của Trung Quốc.
Các mảng kinh doanh internet của Yahoo bao gồm Yahoo Mail, Yahoo Finance, Yahoo Sports, Yahoo News, Yahoo Search… Những đơn vị thuộc về Verizon này sẽ được sáp nhập với AOL – một công ty khác Verizon mua năm ngoái, để hình thành công ty truyền thông kỹ thuật số mang tên Oath. Đây là tham vọng của Verizon trong việc cạnh tranh ở thị trường quảng cáo trực tuyến với Facebook và Google.
Theo những diễn biến mới nhất, Verizon dự kiến phải cắt giảm 2.100 việc làm từ Yahoo. Công ty này cũng tuyên bố sẽ chi 500 triệu USD trong quý thứ hai để trang trải chi phí thôi việc và những phát sinh trong vụ thâu tóm Yahoo. Ngoài ra, một trong những hoạt động đầu tiên của Verizon khi tiếp quản Yahoo là đóng cửa mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến Yahoo Esports. Tất cả được cho sẽ giúp Verizon tiết kiệm 1 tỷ USD tính tới năm 2020.
Như một kết cục dĩ nhiên, CEO Marissa Mayer của Yahoo sẽ từ chức. Nữ doanh nhân xinh đẹp này sẽ nhận 23 triệu USD tiền bồi thường hợp đồng. Ngoài ra, bà còn 4,5 triệu cổ phần trong Yahoo, và theo giá bán ngày 14/6 (52,5 USD/cổ phiếu), bà Mayer sẽ có 236 triệu USD.
“Với những thay đổi trong vai trò của mình, tôi sẽ rời khỏi công ty. Tuy nhiên, tôi muốn tất cả các bạn hiểu rằng tôi vẫn tràn đầy những hoài niệm, sự biết ơn và lạc quan”, CNN dẫn lời bà Mayer trong bức thư gửi cho công ty.
Kết thúc của chuỗi sai lầm
Khi một công ty kinh doanh thất bại hay thành công, vô số ý kiến đồng tình hoặc chê bai sẽ xuất hiện. Với Yahoo, cái chết từ từ của công ty này vốn dĩ được dự báo từ trước, và hầu như mọi ngóc ngách trong hành trình thất bại ấy đều đã được mổ xẻ.
Nổi lên như ngọn cờ đầu của internet những năm 90, giá trị của Yahoo có lúc lên tới hơn 100 tỷ USD. Nhưng sai lầm về chiến lược hoạt động đã giết chết tham vọng của họ. Nói một cách hình ảnh, Yahoo khi còn là một con quái vật thống trị đại dương, đã từ chối nuốt những con cá nhỏ hơn. Và chính những chú cá nhỏ ấy sau này đã lớn lên một cách “không thể ngăn cản”.
Năm 2002, đáng ra Yahoo đã có thể tiêu diệt Google chỉ với 1 tỷ USD bỏ ra. Tuy nhiên thái độ lừng khừng của Tổng giám đốc Terry Semel khi ấy đã khiến Google nâng giá lên 3 tỷ USD và thương vụ sụp đổ. Phía Yahoo mắc sai lầm cực lớn khi không đánh giá cao chức năng tìm kiếm của mình. Yahoo có Yahoo Search, nhưng nó chưa bao giờ là đối thủ của Google Search.
Tương tự, vụ mua lại Tumblr sau này của Yahoo là một thất bại, kiểu như cố gắng sửa chữa sai lầm trước đây khi bỏ qua cơ hội mua Flickr – kẻ tiên phong trong lĩnh vực mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Và một trong những tiếc nuối lớn nhất các nhân viên cộm cán của Yahoo còn phải nhớ cả đời: họ đã tiếc rẻ chỉ 100.000 USD trong vụ mua lại Facebook năm 2006, vì khi ấy nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg được cho đã sẵn sàng bán với giá 1,1 tỷ USD, còn ông Semel – lại là Semel, lại nhất quyết trả đúng giá chào mua 1 tỷ USD.
Kể cả lúc “sắp chết”, Yahoo tiếp tục sai lầm khi năm 2008 đã từ chối đề nghị mua lại với giá 44,6 tỷ USD của Microsoft. Và như đã biết, sau 9 năm, họ thuộc về Verizon với con số chỉ bằng 1/10.
Trong nỗ lực tự cứu mình và vì sự hãnh diện vốn có, Yahoo vào năm 2012 đã có quyết định quan trọng khi bổ nhiệm Marissa Mayer làm CEO, với hy vọng kinh nghiệm điều hành dịch vụ địa phương tại Google của bà sẽ giúp ích. Tuy vậy, Mayer có vẻ bị đánh giá “tội nhiều hơn công”.
Tờ Telegraph cho biết, một trong những điểm yếu đáng kể nhất của Yahoo trong hai thập niên qua là không xác định được nhiệm vụ cốt lõi của mình. Họ đã có tới 24 mô tả khác nhau về đường hướng của công ty trong… 24 năm. Lấn cấn quan trọng nhất chính là Yahoo nên tồn tại như một đại gia công nghệ hay một gã khổng lồ truyền thông.
Không gì cả! Yahoo đã chuyển sang mảng truyền thông trong khi họ khởi đầu tuyệt vời ở lĩnh vực công nghệ. Và đó chẳng khác nào việc Marissa Mayer có đứng trên vai người khổng lồ thì mãi mãi cũng chỉ là gã tí hon…