Khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng bạn thường thấy có tên các phiên bản đi kèm như alpha, beta, rc... Những phiên bản này có gì khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu!
1. Tiền alpha (Pre-Alpha)
Đây là giai đoạn sơ khai nhất, bao gồm những hoạt động được thực hiện trước khi vào giai đoạn kiểm thử phần mềm. Những hoạt động trong giai đoạn này gồm có phân tích yêu cầu, thiết kế phần mềm, phát triển phần mềm, kiểm thử đơn vị (unit testing).
2. Alpha
Giai đoạn này là pha đầu tiên bắt đầu kiểm thử phần mềm trong vòng đời phát hành (alpha là kí tự đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp, được sử dụng như số 1). Các kĩ thuật kiểm thử chủ yếu là hộp trắng (white box testing). Việc phê duyệt (validation) (nếu có) bằng các kĩ thuật hộp đen hoặc hộp xám sẽ được tiến hành bởi những đội ngũ kiểm thử khác.
Các phần mềm trong giai đoạn này đều chưa hoàn chỉnh và có thể gây ra mất dữ liệu hoặc crash, nên những phiên bản phần mềm như vậy thường không được công bố rộng rãi mà chỉ khuyến khích bộ phận kiểm thử hay những người tình nguyện kiểm thử sử dụng nhằm tìm kiếm lỗi. Tuy nhiên, đối với những phần mềm mã nguồn mở thì có thể có một chút khác biệt. Những phiên bản alpha của chúng thường được phân phối công khai và thường kèm theo mã nguồn của phần mềm đó.
Giai đoạn alpha luôn luôn được kết thúc bằng việc không bổ sung thêm chức năng nào nữa (feature freeze), như vậy có thể nói phần mềm sau giai đoạn này là "đã hoàn chỉnh về chức năng" (feature complete).
3. Beta là các phiên bản dùng thử, nhằm tung ra để người dùng sử dụng và... test lỗi, phản hồi. Bản này thường có nhiều lỗi.
4. RC (Release Candidate) là phiên bản cho dùng thử trước khi sản phẩm chính thức ra đời.
5. RTM (Release To Manufacture) là phiên bản hoàn thiện sẽ được đưa vào sản xuất, đóng gói và bán ra thị trường.
Bản RTM sau khi được qua các bước đóng gói, phân phối, tiếp thị,... và sẵn sàng để bán, sẽ có 2 trạng thái: Retail và OEM (Lưu ý: Các bản RTM mà các bạn mới được tiếp xúc có thể tiếp tục có sự thay đổi trước khi ra bản Final).
6. OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc): Đây là những sản phẩm rẻ hơn, được đóng gói và đi kèm với những chiếc máy tính bạn mua. Các nhà sản xuất máy tính lớn như Dell, HP, Sony được phân loại như các OEM tiền bản quyền của Microsoft. Họ sẽ tùy chỉnh đĩa cài của mình bằng cách thêm các biểu tượng, drivers, và (hoặc) hotfix (bản vá lỗi). Đĩa của họ cũng bao gồm một chứng nhận đặc biệt sử dụng để xác thực BIOS máy tính của bạn. Các bản quyền này gắn liền với hệ thống của máy tính của bạn và chỉ có thể kích hoạt và sử dụng với duy nhất chiếc máy tính đó. Và bạn sẽ không được hỗ trợ công nghệ trực tiếp từ Microsoft mà sẽ được hỗ trợ thông qua nhà sản xuất thiết bị gốc.
7. Retail: Đây là sản phẩm bán lẻ, ít bị hạn chế hơn OEM, và bạn có thể sử dụng để kích hoạt trên các máy tính khác nhau, miễn là trong một thời điểm, giấy phép của bạn chỉ sử dụng trên một máy tính duy nhất. Với bản Retail, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ cập nhật từ nhà phát triển phần mềm.
Theo dvms