Năng lực cốt lõi được xác định dựa trên thế mạnh đặc trưng riêng mà từ đó doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tập trung phát triển năng lực cốt lõi là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững. Chiến lược phát triển và sử dụng năng lực cốt lõi thể hiện các phương thức nhận biết đâu là năng lực cốt lõi và phát triển các công nghệ cần thiết để xây dựng, phát triển hoặc khai thác các năng lực cốt lõi.
Dưới đây là quy trình cơ bản xây dựng chiến lược năng lực doanh nghiệp.
Hình 3: Quy trình xây dựng chiến lược năng lực doanh nghiệp
Nguồn: mô phỏng theo Prahalad và Hamel (1989)
Bước đầu tiên của chiến lược năng lực doanh nghiệp là tìm hiểu và xác định năng lực cốt lõi của doanh nghiệp đó. Năng lực cốt lõi phải đáp ứng đủ ba điều kiện quan trọng sau:
- Cho phép doanh nghiệp có khả năng gia nhập nhiều thị trường;
- Là yếu tố chủ chốt tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng thông qua các sản phẩm của doanh nghiệp;
- Các công ty đối thủ khó có thể bắt chước.
Sau khi doanh nghiệp đã xác định được các năng lực cốt lõi của mình, nhiệm vụ tiếp theo là phân bổ các năng lực cốt lõi này tới các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) để khai thác.
Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là bảo vệ và phát triển năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Trong quá trình sử dụng năng lực cốt lõi, doanh nghiệp tìm ra được các cá nhân xuất sắc nắm giữ năng lực cốt lõi. Doanh nghiệp có hai cách để tiếp cận sử dụng năng lực cốt lõi của mình. Cách thứ nhất là chỉ có các nhà quản trị cấp cao nắm giữ năng lực cốt lõi của doanh nghiệp và vận dụng, áp dụng vào thực tiễn quản trị của mình. Cách thứ hai là một nhóm cán bộ khác tham gia vào quá trình vận dụng, áp dụng và phát triển chung năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Năng lực cốt lõi khi đã được phát triển, dần hoàn thiện và càng phát triển sâu thì càng giới hạn bộ phận những người liên quan để đảm bảo tính chuyên môn hóa và bảo mật.