Bàn về câu "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình"

Xưa nay, lời là kinh sách, là giáo luật, rồi là hiến pháp, pháp luật cũng như quy tắc ứng xử của mọi quốc gia và sắc tộc. Lời là công lý.

Tình nặng, lý sâu trong câu tục ngữ "Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình"

Dân tộc ta từ xưa đến nay vốn trọng đạo lý. Người ta sống với nhau “vì mồ vì mả” chứ không vì “cả bát cơm đầy”, rồi “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Và yêu nhau “chín bỏ làm mười”… Nếu có “ghét” nhau chăng nữa thì cũng là “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu). Vì vậy trong đối nhân xử thế, người ta thường dặn nhau: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” (Tục ngữ mới).

Vì không dùng lời để tiến đến lý trí và công lý, nặng về cãi vã hòa cả làng, không minh định nổi chẳng ai đúng, cũng chẳng ai sai, không có công lý làm chỗ tựa vững mạnh cho mình, nên người Việt thiên về co cụm, bấu víu và đan kết trong tình cảm.

Mở màn người ta xác định vị trí bất khả xâm phạm của gia tộc như: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Rồi sau đến đơn vị quần tụ xóm làng “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Và sau đó đề cao cái làng của mình lên trên hết “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong hay đục ao nhà vẫn hơn”, hay là “Lấy chồng khó giữa làng/ Hơn lấy chồng sang thiên hạ”.

Và rồi tuyên bố thẳng thừng, dù thế nào, làng ta phải là oai nhất về mọi lẽ: “Phép vua thua lệ làng”.

Như vậy, về mặt khoa học nhân chủng, cũng như nhân bản người Việt còn ở trình độ khá ấu trĩ. Về mặt khoa học chúng ta biết, càng dựng vợ gả chồng trong những quan hệ gần gũi nhau như trong một làng, thì càng đẻ ra những đứa con còi cọc, ốm yếu, thiểu năng. Thiết nghĩ đó cũng là một trong những lý do khiến giống người Việt đã bé lại càng bé.

Trái với cách sống ở Việt Nam, người Ấn Độ chẳng hạn, trong nhiều làng, họ cấm trai trong làng được bén mảng đến gái cùng làng, dù có yêu thầm nhớ trộm thế nào, trai gái cùng làng cũng không được lấy nhau.

Mà gái làng ta dành cho trai làng khác. Và trai làng ta phải ra thiên hạ mà kiếm vợ. Như vậy, những đứa con được ra đời từ gien bố ở cách xa gien mẹ, nên to lớn mạnh khỏe.

Tính co cụm, móc nối, cánh hẩu là một căn bệnh rất nặng của người Việt, thể hiện ra ở địa phương nào cũng trầm trọng, nó vừa làm phân tán vừa làm suy yếu tính hiệp nhất của quốc gia. Ngay cả thánh thần cũng bị họ chia ra của làng này hay của làng kia, như: “Chuông làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ”.

Trong mọi việc vì không giải quyết theo lý mà chỉ lụy tình, người Việt thường có thói quen: Người càng thân ta thì càng đúng hơn. Thậm chí có  việc người nhà ta, người làng ta, người cơ quan ta sai lè lè, không còn cách nào khác, người đứng ra bênh vực bảo: “Anh này cũng đúng, anh kia cũng chẳng sai”. Vì thế mọi người mới có kiểu xưng hùng xưng bá địa phương: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”.

Nhưng khi đã cậy gần nhà để có người bênh, thì những con người đó đi sang làng khác, địa phương khác lại mất thiêng, không có ai bảo vệ nữa, cho nên dù có đúng – có phải cũng trở thành yếu đuối. Đấy, cái kiểu “công lý người làng” hay “công lý tình cảm” yếu ớt đến vậy, ra khỏi làng, là bị phụ thuộc ngay “công lý của làng khác”.

Lý và tình trong các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ làm ăn

Mối quan hệ giữa người và người trong cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt lý và tình. Lý giúp ta sáng suốt lựa chọn suy nghĩ, hành động đúng. Tình giúp ta giữ được mối giao hoà êm đẹp. Đứng trước những mâu thuẫn giữa hai người, giữa hai họ tộc hay giữa hai tập thể… sẽ có nhiều hướng giải quyết. Đây là loại “mâu thuẫn nội bộ” giữa ta với ta chứ không phải “mâu thuẫn đối kháng” giữa ta với địch, nên ta cần giải quyết vấn đề theo “đối thoại” chứ không “đối đầu”. Thông thường người ta chọn biện pháp “hoà giải”, lấy “cái tình” để thông cảm với nhau. Ai sai, ai đúng đều nhận ra “cái lý” của mình. Cũng có người dẫu sai nhưng vẫn cố nguỵ biện với cái “lý sự cùn” của mình thì chỉ càng làm tăng thêm mâu thuẫn. Nếu cả hai đều dùng “cái lý” để giải quyết vấn đề mà vẫn không phân thắng bại thì phải nhờ người thứ ba làm trọng tài. Nếu vấn đề đó “nặng” hơn, vi phạm pháp luật thì phải nhờ tới viện kiểm sát và toà án phân xử.

 Song, trong thực tế người Việt Nam vẫn coi trọng “cái tình” hơn cả, bất đắc dĩ lắm mới dùng “cái lý” để giải quyết những mâu thuẫn. “Cái tình” sẽ làm cho người gần người hơn. Xử sự với nhau bằng “cái tình” là rất đẹp, để rồi “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, để không phải hối hận về sau. Người ta thường nói “tình làng nghĩa xóm” lúc “tắt lửa tối đèn” là để nhấn mạnh “cái tình”, chứ ít ai đưa “cái lý” ra làm thước đo con người. Nhưng đôi khi “cái lý” cũng rất cần. Song, “cái lý” ấy phải đúng, phải thuộc về chân lý khách quan. Người ta thường bảo “Nói phải củ cải cũng nghe”, hoặc “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, hay “mất lòng trước, được lòng sau” là để chỉ người hay dùng “cái lý” để nói thẳng, nói thật. Không ai phủ nhận người dùng “cái lý” là sai. Vấn đề là nên dùng vào lúc nào, ở đâu, với đối tượng nào, mức độ ra sao…? Còn nếu biết kết hợp hài hoà giữ “cái lý” và “cái tình” là một điều rất tốt.

Lĩnh vực của “cái lý” thuộc về phạm trù lô-gíc của  “trí não”, còn lĩnh vực của “cái tình” thuộc phạm  trù  tình  cảm  của “con tim”, sự rung động của tâm hồn. Người có “cái tình” sâu nặng sẽ sống độ lượng, vị tha, luôn “mình vì mọi người”. Còn người luôn dùng “cái lý” để đáp lại người khác thì dễ rơi vào trạng thái lạnh lùng, khô khan, khiến người ta khó gần. Cũng có người khi yêu nhau thì “củ ấu cũng tròn” hay “cau sáu bổ ba”, nhưng khi ghét nhau thì “ghét cả tông ti họ hàng”, ghét cả “đường đi lối về”, chẳng còn một chút tình nghĩa gì nữa, họ lôi ra đủ thứ “lý” để bắt bẻ nhau, thậm chí để hại nhau. Quả là loại người đáng trách!

Câu tục ngữ mới “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” mãi mãi là lời khuyên nhẹ nhàng mà sâu lắng đối với mỗi thế hệ người Việt Nam.

St