Đối tác chính quyền

Tôi đã làm lãnh đạo cả doanh nghiệp và trong bộ máy nhà nước nên hiểu rõ doanh nghiệp ta đã phải “phụng sự” chính quyền thế nào, cán bộ có thể yêu sách doanh nghiệp ra sao. Tôi cũng đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy, ở các nước phát triển, doanh nghiệp và chính quyền là bình đẳng. Nhờ thế, hai bên đều phát triển mạnh hơn.

Mươi ngày qua, nhiều phóng viên gọi điện muốn phỏng vấn tôi chỉ mỗi chuyện sao nhiều lãnh đạo các cấp ngã ngựa vì đất đai đến thế, từ lãnh đạo cấp bộ, thành phố lớn đến các địa phương. Mấy anh bạn và tôi có công việc với nhau, chuyện trò một hồi rồi cũng quay lại câu hỏi: tại sao nhiều cán bộ cấp cao rơi vào vòng lao lý vì đất công đến thế.

Tôi cho rằng có ba nguyên nhân lớn. Thứ nhất, giá trị đất đai ở Việt Nam rất cao, doanh nghiệp nào cũng cần đất, mà muốn có đất thì chỉ có cách xin người nhà nước có thẩm quyền. Thứ hai là tư duy bao cấp kiểu xin - cho vẫn tồn tại trong quan niệm của các cán bộ. Họ ít chịu thay đổi sang tư duy pháp quyền, vẫn quen dùng thẩm quyền là chính. Thứ ba, bộ máy giúp việc cũng vô tình hoặc hữu ý không đủ thông thạo pháp luật nên các đề xuất trình lên rồi dở dang khá nhiều. Giá trị đất đai đã làm hư hỏng nhiều cán bộ.

Một anh bạn gặng hỏi thêm rằng, liệu những nguyên do trên chỉ gây hại cho các cán bộ dùng sai thẩm quyền hay còn gây hại cho đất nước. Tôi nói rằng thiệt hại cán bộ là chuyện nhỏ, gây hại cho phát triển đất nước mới là chuyện lớn, nhất là nước ta đang hội nhập quốc tế sâu và rộng, càng bị thất bát nhiều hơn trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do kiểu mới.

Để hội nhập mang lại nhiều lợi ích, Việt Nam trước hết cần hoàn chỉnh lại hệ thống luật pháp sao cho phù hợp quốc tế. Một mặt, đây là hệ quy chiếu về quy tắc hoạt động chung, không thể mỗi nhóm lại có hệ quy chiếu khác của riêng mình. Mặt khác, chỉ dựa vào pháp luật rõ ràng, cụ thể, phù hợp mới có cơ hội tạo dựng được nhà nước pháp quyền mạnh. Bên cạnh đó, việc thực thi thẩm quyền trong khuôn khổ pháp luật cũng chưa trở thành tư duy nhất quán cao của bộ máy hành chính. Trên thực tế, các quốc gia Âu - Mỹ là đối tác kinh tế với Việt Nam đều có kinh nghiệm lâu đời về vận hành một nhà nước pháp quyền. Khi ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, phía Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo 1998. Mặc dù Luật này đã được sửa đổi vào năm 2004, nhưng ta vẫn phải tiếp tục sửa theo yêu cầu của phía Mỹ vào năm 2005. Khi ký Hiệp định thương mại tự do EV-FTA với châu Âu, họ cũng yêu cầu phải ký song hành Hiệp định bảo vệ đầu tư EV-IPA. Các nước phát triển bao giờ cũng quan tâm trước hết tới khung pháp luật nơi họ đầu tư và cũng là để giải quyết công bằng các tranh chấp có thể phát sinh.

Mới đây, Công ty Daelim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội yêu cầu bồi thường 400 tỷ đồng do nhà nước giao mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết. UBND Hà Nội đã tham vấn và đề xuất bổ sung 145 tỷ đồng do làm chậm tiến độ thi công. Hiện chưa có con số cuối cùng được hai bên thống nhất. Sự thực, nếu không thể thống nhất theo cơ chế hòa giải, Daelim có thể kiện nhà nước ta ra Trọng tài quốc tế. Lúc đó, Việt Nam chỉ còn một cách duy nhất là thực hiện theo phán quyết của Trọng tài.

Cơ quan nhà nước ta hay cậy quyền lực mà ít quan tâm tới thiệt hại của bên doanh nghiệp do mình gây ra. Nhiều doanh nghiệp trong nước thi công các dự án có vốn đầu tư công đành ngậm đắng nuốt cay chịu đựng, không ít doanh nghiệp bị phá sản. Tiến độ chậm mấy cũng phải chịu, xong việc vài năm mà chưa được thanh toán cũng phải chịu. Học trò của tôi có rất nhiều người làm doanh nghiệp thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, làm quy hoạch sử dụng đất cho các địa phương. Họ thường phàn nàn rằng phải chịu đựng mọi ý tứ, áp đặt của chính quyền. Bởi chỉ cần "tỏ ý" là lần sau mất việc.

Một lần sau ngày về hưu, tôi được mời ăn tối với mấy bạn học đang làm doanh nghiệp trong và nước ngoài. Một anh rất phấn khởi thông báo rằng đã hoàn thành mục tiêu làm doanh nghiệp sân sau của một lãnh đạo cấp tỉnh, không phải lo tìm việc cho nhân viên nữa. Một anh khác mặt buồn thiu nói rằng doanh nghiệp mình đã từng làm sân sau rồi, nhưng cực lắm, các bác ấy "nhậu" ở đâu xong lại gọi điện đến trả tiền, rồi còn nhiều yêu sách nhiều tiền hơn "nhậu" nữa. Chỉ anh bạn đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài tủm tỉm cười, nói rằng mình chỉ cực về việc làm sao thoả mãn khách hàng như thượng đế thôi, còn công ty là khách hàng của chính quyền nước họ rồi nên cứ làm việc tốt thì chẳng sao cả, rất dễ chịu và văn minh.

Về lý thuyết, doanh nghiệp và chính quyền đều bình đẳng khi là hai phía ký tên trong các hợp đồng kinh tế, nhưng vì sao mà doanh nghiệp trong nước lại phải chịu đựng như vậy? Và cũng về lý thuyết, doanh nghiệp trong nước cũng có thể kiện chính quyền ra trọng tài thương mại hoặc tòa án, nhưng không doanh nghiệp nào dám làm vì nắm chắc phần thua và luôn sợ mất cửa làm ăn. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài ở tâm thế khác, hoạt động theo quy tắc khác nên họ không sợ, họ sẵn sàng khởi kiện khi bị thiệt hại do chính quyền gây ra. Đơn giản, chính quyền cũng là một bên cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện mọi khế ước.

Trong cơ chế thị trường, chính quyền cũng là một bên tham gia vào các hoạt động kinh tế liên quan đến mua sắm công bằng vốn ngân sách. Tổng vốn đầu tư công nước ta năm nay lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng. Đến giữa năm, chính quyền mới tiêu hết 26%, còn lại 570 nghìn tỷ đồng tồn đọng. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do chậm giải phóng mặt bằng và khả năng thực hiện yếu. Chậm giải phóng mặt bằng là do chính sách đất đai thiếu phù hợp. Khả năng thực thi yếu là do mong muốn có tiền từ ngân sách nhiều hơn nhu cầu thực.

Cần lưu ý, trong thực thi các hiệp định thương mại tự do kiểu mới Việt Nam đã ký, các đối tác nước ngoài đều có quyền tham gia cung cấp hàng hóa trong mua sắm công ở nước ta, cũng như doanh nghiệp Việt có quyền tham gia vào mua sắm công của các nước đối tác. Trong bối cảnh này, liệu chính quyền các cấp đã nắm bắt đầy đủ câu chuyện, đã tư duy lại cách sử dụng quyền quản lý của mình theo nghĩa: chính quyền dù cấp nào cũng chỉ là một bên tham gia vào thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp trong một hệ quy chiếu pháp luật dựa trên thông lệ quốc tế? Chỉ khi đó, chính quyền mới cải thiện được hình ảnh và tính chuyên nghiệp của mình trong mắt thị trường.

Đặng Hùng Võ