Cài thầu là gì? Cách ứng phó thế nào?

Cài thầu là chiêu trò không còn mới nhưng cũng chưa có cách giải quyết triệt để suốt nhiều năm nay, khiến cho nhiều nhà thầu phải khốn đốn khi đã mất công chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoàn hảo nhưng vẫn chịu cảnh trượt thầu. Đặc biệt là những nhà thầu mới càng phải tìm hiểu rõ về chiêu trò này từ đó có cách phòng tránh cho doanh nghiệp của mình.



Cài thầu hiểu đơn giản là hành vi của bên mời thầu, cài cắm các điều kiện khắt khe trong hồ sơ mời thầu (HSMT) nhằm mục đích tạo thuận lợi cho một/ một nhóm nhà thầu nhất định để trúng thầu và gây khó khăn cho những nhà thầu khác cùng tham gia đấu thầu gói thầu đó. Đây là hành vi trái pháp luật, bị nghiêm cấm trong đấu thầu.

HSMT vốn là để lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất cho gói thầu. Tuy nhiên, sự công tâm của người ra đề sẽ quyết định nó là phương án tìm kiếm nhà thầu phù hợp hay sẽ là “khóa đầu bài thầu” đối với các nhà thầu khác muốn tham dự mà không phải là nhà thầu có sự chuẩn bị trước với bên mời thầu.

Cài thầu - chiêu “quen”trong đấu thầu

Câu chuyện “khóa đầu bài thầu” không phải bây giờ mới có. Trong “hồ sơ mời thầu” của  “Chủ đầu tư” Vua Hùng đã yêu cầu 2 “nhà thầu” Sơn Tinh, Thủy Tinh phải có voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao, ai đến trước thì trúng. Những yêu cầu trên quả thực có nhiều bất lợi với “nhà thầu” Thủy Tinh, quá rõ ràng rằng chủ đầu tư đã hướng đến “nhà thầu” Sơn tinh.

Vẫn là chiêu bài quen thuộc nhưng ngày nay, các cách thức cài cắm trong HSMT lại muôn hình vạn trạng. Có những hạng mục nhỏ, đơn giản, không có tính chất đặc thù nhưng vẫn bị chủ đầu tư yêu cầu người đứng đầu hoặc người đại diện phải có văn bằng, chứng chỉ về hạng mục đó. Còn có trường hợp yêu cầu phải là hợp đồng với đơn vị A, cơ quan B…

Đơn cử như Gói thầu số 03 Xây lắp công trình Trường THCS Tân Thành, TP. Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thái Nguyên là chủ đầu tư/bên mời thầu. Trong đó, một nhà thầu đã bị loại vì hồ sơ dự thầu (HSDT) không đáp ứng được một tiêu chí mà theo như Báo Đấu Thầu đánh giá là tiêu chí làm hạn chế tham gia của các nhà thầu.

Thực tế đã có nhiều câu chuyện cài thầu được phản ánh lên báo chí, Hội Nhà Báo Việt Nam từng chỉ điểm các gói thầu mập mờ: gói thầu số 10.1 trong dự án xây dựng đường ô tô về trung tâm xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (có giá trị gần 6 tỷ đồng). Chủ đầu tư/bên mời thầu đưa ra những điều kiện mời thầu dường như chỉ dành cho các nhà thầu ở huyện mình là “Nhà thầu phải từng thi công công trình giao thông có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên tại huyện Đầm Dơi… mới đạt điều kiện năng lực dự thầu”. Hay một điều kiện khác của bên mời thầu cũng oái oăm không kém khi cài cắm các tiêu chí về doanh thu: Gói thầu mua ghế một hội trường chỉ có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, nhưng bên mời thầu lại yêu cầu nhà thầu phải có doanh thu 100 tỷ đồng. Tình trạng tương tự đã xảy ra với, hồ sơ mời thầu gói thầu số 20 - Cung cấp lắp đặt thang máy dự án Bệnh viện chuyên khoa Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Long An.

Vậy phòng tránh việc cài thầu như thế nào? Phải trang bị những gì cho bản thân để có hướng xử lý khi doanh nghiệp mình rơi vào tình trạng bị cài thầu?

Làm sao để nhà thầu “lạ” yên tâm đấu thầu?

Với từng yêu cầu trong HSMT vẫn có nhiều nhà thầu có thể đáp ứng được, nhưng khi tổng hợp lại tất cả những tiêu chí đưa ra thì chỉ có một nhà thầu hoặc số ít nhà thầu có thể đáp ứng đầy đủ. Đối với các tình huống như trên đã có không ít nhà thầu gặp phải, có nhà thầu chọn cách rút lui, chịu thua thiệt, có nhà thầu lại chọn con đường khác như dựa vào mối quan hệ, nguồn lực. Hiện nay pháp luật về đấu thầu đã có những chế tài khá hoàn hiện mang tính răn đe các bên cố tình vi phạm, cụ thể như:

Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định:

“HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Điều 89 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 năm 2013 đã chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu, trong đó có đặc biệt nghiêm cấm các trường hợp: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận; Không bảo đảm công bằng, minh bạch…

Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh các điều: Điều 19. Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Điều 20. Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

Vì thế, cách tốt nhất là nhà thầu phải tự trang bị đầy đủ hiểu biết về pháp luật và đấu thầu để kịp thời phát hiện và kiến nghị nghị chủ đầu tư/bên mời thầu làm rõ, chỉnh sửa kịp thời, cần thiết có thể dùng quyền khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan liên quan.

Nguồn: dauthau.asia