Lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt trong tiếng Anh là Trickle-Down Theory hoặc Trickle-Down Economics.
Lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt tuyên bố rằng khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác trong xã hội.
Trong rất nhiều cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thổng Mỹ, hoặc các bài phát biểu của các chính trị gia Mỹ hay đề cập lý thuyết Trickle-Down. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu xem trickle-down là gì?
Một cách giải thích dễ hiểu nhất là lấy thí dụ thực tế. Trước năm 2010, chỉ những người giàu có mới có thể dùng điện thoại iPhone. Tương tự như vậy với kích cỡ màn hình TV, ban đầu chỉ có giới nhà giàu mới mua TV cỡ trên 45", nhà siêu giàu thì mua TV to bằng cả bức tường, thậm chí "lang thang" ở các siêu thị điện máy bạn có thể bắt gặp TV có trị giá 1 tỷ VNĐ. Sau 1 thập kỷ, nhiều gia đình thu nhập trung bình đã có thể mua TV 45" chỉ với giá 10 triệu. Kinh tế xã hội rõ ràng là tiến bộ, nhưng cũng phải nói thêm rằng nhờ hiệu ứng Trickle-Down, các quốc gia nghèo hơn mới có cơ hội sử dụng các công nghệ tiên tiến mà trước đây chỉ thuộc sở hữu của giới thượng lưu. Khi những công nghệ này trở nên bình dân (giống như "bà bán nước" cũng có thể sử dụng smartphone để giao tiếp bằng...facebook) thì giới thượng lưu lại chuyển sang công nghệ mới hơn như Smart Home, hay thậm chí du lịch lên rìa vũ trụ của công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Beroz.
Nhờ hiệu ứng tricle-down, giờ đây bất cứ người lao động bình thường nào cũng có thể sở hữu chiếc smartphone đắt tiền.
Lí thuyết này ủng hộ cho việc giảm thuế hoặc tạo ra các lợi ích tài chính khác cho các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và doanh nhân để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Lập luận của lí thuyết này xoay quanh hai giả định: Tất cả các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, và những người có nguồn lực và kĩ năng để tăng sản lượng sản xuất là những người dễ thúc đẩy tăng trưởng nhất.
Hiểu rõ hơn về lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt
Lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt mang tính chính trị nhiều hơn là khoa học.
Bất kì chính sách nào cũng có thể được coi là "lợi ích kinh tế nhỏ giọt" nếu: Thứ nhất, một bộ phận chính của chính sách này, trong ngắn hạn, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người giàu hơn là người nghèo và người bình thường. Thứ hai, chính sách này được thiết kế để tăng mức sống cho mọi cá nhân trong dài hạn.
Các bước của lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt
Đầu tiên: chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm bớt các qui định. Ngoài ra, người giàu cũng có thể được giảm thuế. Từ đó, khu vực tư nhân sẽ giữ lại được nhiều tiền hơn để đầu tư kinh doanh, ví dụ như mua nhà máy mới, nâng cấp công nghệ và thiết bị, cũng như thuê thêm nhân công. Công nghệ mới thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Các cá nhân giàu có chi tiêu nhiều hơn do có thêm tiền (do họ được đóng thuế ít hơn trước), tạo ra cầu về hàng hóa, và cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Người lao động cũng chi tiêu và đầu tư nhiều hơn, tạo ra sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp như nhà ở, ô tô, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Cuối cùng, người lao động được hưởng lợi từ lợi ích kinh tế nhỏ giọt do mức sống của họ tăng lên. Và vì mọi người giữ nhiều tiền hơn (với mức thuế thấp hơn), họ được khuyến khích làm việc và đầu tư.
Nhờ tăng trưởng kinh tế, chính phủ thu được nhiều thuế hơn, đến mức doanh thu thuế tăng thêm đủ để bù đắp cho việc cắt giảm thuế ban đầu cho người giàu và doanh nghiệp.
Chỉ trích về lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt
Các chính sách theo kiểu "lợi ích kinh tế nhỏ giọt" thường làm tăng thêm của cải và lợi thế cho một số ít người giàu có. Mặc dù những nhà kinh tế ủng hộ lí thuyết rằng việc để thêm tiền vào tay người giàu và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chi tiêu và thị trường tự do, nhưng điều này lại có sự can thiệp của chính phủ.
Những câu hỏi được đặt ra bao gồm: ngành nào nhận trợ cấp, ngành nào không? Chính sách này đóng góp được bao nhiêu sự tăng trưởng kinh tế?
Những người chỉ trích cho rằng những lợi ích gia tăng mà người giàu nhận được có thể làm sai lệch cấu trúc kinh tế. Những người có thu nhập thấp hơn không được giảm thuế, khiến cho bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.
Nhiều nhà kinh tế tin rằng việc cắt giảm thuế cho người nghèo và các gia đình lao động sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, vì họ chắc chắn sẽ tiêu tiền vào các hàng hóa hoặc dịch vụ mà trước đây họ không chi trả được, hoặc không mua đủ với nhu cầu.
Còn doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm thuế để mua lại cổ phiếu. Trong khi đó người giàu có thể tiếp tục tiếp kiệm thêm thay vì chi tiêu, vì họ vốn đã có đủ tiền để mua mọi thứ họ cần rồi. Trong kịch bản này, việc giảm thuế không mang lại lợi ích gì cho tăng trưởng kinh tế.
(Tham khảo: Investopedia)