QĐND - Giải ngân vốn đầu tư công, chuyện không mới nhưng vẫn là vấn đề rất đáng bàn. Theo số liệu thống kê, dẫu hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Tình trạng nêu trên quả là nghịch lý: Có tiền mà không tiêu được.
Chuyện không chỉ có vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công còn kéo theo rất nhiều hệ lụy: Tăng tỷ lệ nợ công; kéo dài thời gian thi công các công trình; ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; hiệu quả khai thác tiềm năng để thúc đẩy kinh tế phát triển thấp; lãng phí nguồn lực xã hội... Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công chậm gây ra tình trạng nhiều dự án treo làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và đó chính là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa. Nguồn: HNMO)
Sẽ có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để biện minh cho tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thì càng là cái cớ để những người có trách nhiệm bào chữa cho tình trạng trên. Đúng là những nguyên nhân do khách quan gây ra chẳng ai không thể không thừa nhận, nhưng vấn đề căn bản, cốt lõi vẫn chính là những yếu tố chủ quan. Dịch Covid-19 dẫu tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, hoạt động của từng ngành nói riêng, nhưng cũng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải bây giờ mới xuất hiện. Như vậy, không thể đổ lỗi cho vấn đề dịch bệnh, dẫu có chịu những tác động nhất định. Vậy, đâu là vấn đề căn bản? Đó chính là thái độ, trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; thậm chí không loại trừ tình trạng nhà đầu tư cố tình kéo dài để “chờ thời” đội giá, tăng chi phí phát sinh, chuyển đổi mục đích... để hưởng lợi.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, như được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14-2-2020 của Chính phủ; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực tế một số công trình trọng điểm; thay đổi hình thức đầu tư; chỉ đạo hệ thống ngân hàng, kho bạc đẩy mạnh cải cách hành chính… Tuy nhiên, “căn bệnh” giải ngân vốn đầu tư công chậm muốn được chữa trị dứt điểm cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, cần chữa trị tận gốc tư tưởng “xin-cho” trong lĩnh vực đầu tư cơ bản; khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải; dồn việc quyết toán, giải ngân vào dịp cuối năm; đổ lỗi cho những yếu tố khách quan, mà thiếu sự chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; xử lý kiên quyết, kịp thời tình trạng nhà đầu tư cố tình kéo dài thời gian thi công gây lãng phí nguồn lực xã hội…
Giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần tạo ra hiệu quả kinh tế, mà còn củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Bởi vậy, nghịch lý có tiền mà không tiêu được cần sớm giải quyết dứt điểm.
LÊ NGỌC LONG