Làm giàu nhanh chóng, dễ dàng mà không mất công sức gì là những câu được những thủ lĩnh tiêm nhiễm cho người mới gia nhập mạng lưới kinh doanh đa cấp. Vậy kinh doanh đa cấp là gì?
Kinh doanh đa cấp là gì?
Đa cấp hay kinh doanh đa cấp (tiếng Anh: Multi-Level Marketing) hoặc kinh doanh theo mạng lưới (Network Marketing) là một chiến lược tiếp thị để bán dịch vụ/sản phẩm thông qua hệ thống mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhánh khác nhau.
Người tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Giao diện phần mềm Multi-Leveling Marketing
Trong Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 đã định nghĩa:
Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Lịch sử hình thành
Ra đời vào đầu thập niên 90, bán hàng đa cấp đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong giai đoạn bùng nổ (từ năm 1979 – 1990), hàng trăm công ty đa cấp được thành lập mỗi ngày. “Sức nóng” của bán hàng đa cấp mạnh mẽ đến mức các công ty kinh doanh truyền thống như Ford, Colgate, Coca-Cola cũng dần áp dụng phương thức này vào việc phân phối sản phẩm.
Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 21. Kinh doanh đa cấp có nhiều công ty lừa đảo núp bóng và một bộ phận không nhỏ nhà phân phối sai trái đã làm cho dư luận bắt đầu lên tiếng phản đối kinh doanh đa cấp.
Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
Đầu tháng 10, năm 2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập. Hiệp hội được thành lập và bổ nhiệm bà Trương Thị Nhi (Tổng giám đốc công ty TNHH TM Lô Hội, nhà đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Forever Living Products Hoa Kỳ) là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2014.
Tính đến tháng 6/2011, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nước Việt Nam đã có 63 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp.
Tính tới năm 2013, Việt Nam có hơn 1 triệu người bán hàng đa cấp
Bán hàng đa cấp tốt hay xấu?
Trên thực tế, bán hàng đa cấp không hề xấu, nó còn được thế giới công nhận là mô hình kinh doanh có hiệu quả cao.
Theo mô hình kinh doanh truyền thống, “con đường” sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ trải qua các giai đoạn như:
Nhà sản xuất => Nhà Phân Phối => Đại lý cấp 1 => Đại lý cấp 2 => Cửa hàng bán lẻ => Người tiêu dùng.
Ngoài những khâu trung gian như vậy, nhà sản xuất còn phải bỏ thêm chi phí marketing sản phẩm, khuyến mãi, nhân viên…
Đối với mô hình kinh doanh đa cấp, quá trình phân phối trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Nhà sản xuất => Người tiêu dùng.
Theo lý thuyết, người tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp vừa là khách hàng của công ty, vừa là một thành viên của công ty đó. Công ty kinh doanh đa cấp vừa bán được dịch vụ/ sản phẩm nhưng lại không phải trả lương cho người tham gia.
Marketing trong mô hình kinh doanh đa cấp chính là marketing truyền miệng. Do đó giá thành sản phẩm sẽ được giảm xuống, và người hưởng lợi chính là khách hàng.
Dấu hiệu đa cấp lừa đảo
Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc kinh doanh đa cấp, nhưng chưa có luật đủ mạnh để xử lý những mô hình như vậy. Dưới đây là một số dấu hiệu để xác định hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo.
- Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng.
- Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật qui định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán.
- Lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia hệ thống
- Buộc và hối thúc người khác tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng.
- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.
- Không quan tâm tới hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng như mong muốn và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.
- Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
- Tốt nhất là tham gia từ lúc ban đầu, càng vào sau cơ hội của bạn càng thấp.
Thông qua bài viết này chắc hẳn các bạn đã đã hiểu kinh doanh đa cấp là gì và trang bị cho mình được những kiến thức để nhận ra đâu là kinh doanh đa cấp, đâu là lừa đảo ăn theo bán hàng đa cấp. Chúc bạn luôn sáng suốt để không trở thành nạn nhân của trò lừa này.