Ikujiro Nonaka - lý thuyết gia rất có ảnh hưởng của trường phái quản lý dựa trên tri thức (knowledge-based management) – người từng được xem như một Peter Drucker của thời đại kinh tế tri thức, đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển lý thuyết toàn diện về quản trị dựa vào tri thức. Khái niệm trung tâm của lý thuyết Nonaka có thể nói đến: Mô hình SECI về chuyển đổi và sáng tạo tri thức; Ba – trường phát sinh tri thức và Mô thức lãnh đạo phronetic (phronetic leader) của một công ty sáng tạo tri thức (knowledge-creating company).
Định nghĩa về tri thức
Theo Ikujiro Nonaka, tri thức trong một công ty thường tồn tại dưới hai dạng: ẩn (tacit knowledge) và hiện (explicit knowledge). Nếu ví toàn bộ tri thức của tổ chức như một tảng băng trôi, thì phần thể hiện dưới dạng nhìn thấy được (văn bản, media) chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Trong khi đó, phần lớn tri thức tiềm ẩn trong từng cá nhân dưới dạng kỹ năng, know-how, kinh nghiệm... Làm sao để phát huy, lan tỏa các tri thức này để làm giàu thêm tri thức cho tổ chức là một vấn đề rất quan trọng.
Mô hình SEIC (Ảnh: Internet)
Mô hình SECI - chuyển đổi các dạng tri thức theo hình xoắn ốc
SECI là cụm viết tắt của 4 giai đoạn: Socialization, Externalization, Combination và Internalization. Đó là các bước tuần tự nối tiếp nhau trong một chu trình khép kín để biến đổi tri thức ẩn từ người này chuyển sang người khác (S), từ tri thức ẩn sang dạng hiện (E), từ tri thức hiện rời rạc sang tri thức hiện có chất lượng cao hơn (C), và chuyển đổi từ tri thức hiện vào trong mỗi cá nhân (I).
Theo Nonaka và Takeuchi, quá trình tạo tri thức trong doanh nghiệp là một quá trình tương tác và chuyển đổi liên tục giữa tri thức hiện và tri thức ẩn. Quá trình này xảy ra lần lượt ở các cấp độ khác nhau của tri thức, từ cá nhân, nhóm, tổ chức cho tới liên tổ chức. Quá trình chuyển đổi liên tục này tạo thành vòng xoắn ốc tri thức mở rộng, tương ứng với năng lực ngày càng cao của doanh nghiệp.
Một lưu ý về mô hình chuyển đổi tri thức của Nonaka và Takeuchi là vòng xoắn ốc kiến tạo tri thức có thể bắt đầu ở bất cứ giai đoạn nào trong bốn giai đoạn kể trên. Bởi xét cho cùng, hoạt động của một doanh nghiệp là những vòng tuần hoàn đi lên không có điểm đầu và điểm kết.
Vai trò của người lãnh đạo trong nền kinh tế tri thức
Một thành tố quyết định trong doanh nghiệp luôn là lãnh đạo. Kể cả những tổ chức có sự dân chủ để sáng kiến từ dưới lên thì vai trò lãnh đạo cũng rất quan trọng. Trong các tổ chức sáng tạo tri thức (knowledge-creating company), người lãnh đạo là một Wise Leader, cần sở hữu phronesis (practical wisdom: minh triết thực hành) – tức khả năng nhạy cảm đánh giá sự việc, nắm bắt bản chất của sự việc và có hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề.
Có thể mô tả người lãnh đạo phronetic vừa là một người có tư duy sâu sắc, lại vừa là một người hành động hăng say. Người lãnh đạo đó dẫn dắt tổ chức không chỉ bằng các kỹ năng chuyên môn hay bài học quản lí mà còn bằng những giá trị nhân văn sâu sắc.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quản lý cấp trung chính là động lực quan trọng của sáng tạo trong tổ chức. Thực tế cho thấy những lãnh đạo cấp cao có thể luôn là những người đầy nhiệt huyết và tầm nhìn xa trông rộng, hoặc nhân viên cấp thấp luôn muốn phá bỏ rào cản để phát triển, nhưng sự nghiệp đổi mới lại tắc ở giữa, nơi những nhà quản lý thực sự đóng vai trò chủ đạo trong hiện thực hóa các tầm nhìn, động viên và tổ chức thực thi các chiến lược của tổ chức.
Tất cả các kiến thức nói trên có thể được tìm hiểu sâu hơn tại chương trình “Lãnh đạo toàn cầu về đổi mới và tri thức” - một cơ hội phát triển cho các nhà lãnh đạo tiềm năng. Chỉ cần sở hữu Bằng Cử Nhân trở lên, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian và chứng chỉ TOEIC trên 750 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương tính đến thời điểm đăng ký, bạn hoàn toàn có thể tham gia chương trình. Đặc biệt hơn, Tiến sĩ Ikujiro Nonaka là người kiến tạo cấu trúc khoá học này và trực tiếp giảng bài một số phần trong bộ môn Quản trị tri thức (Knowledge Management).
Khánh Linh