Quyền được lãng quên đảm bảo mọi dữ liệu liên quan đến cá nhân sẽ bị xóa khỏi các kết quả tìm kiếm trên Internet và các nền tảng lưu trữ khác trong một số trường hợp nhất định, tại một thời điểm nhất định nhằm mục đích không cho phép bên thứ ba truy cập thông tin.
Lãng quên để được bảo vệ
Dữ liệu cá nhân phải bị xóa bỏ khi nó không còn chính xác, không còn phù hợp để tiếp tục lưu trữ, xử lý hoặc xâm phạm đến đời sống riêng tư.
Trên không gian mạng Internet, mỗi cá nhân đều dễ dàng trở thành người truyền tải thông tin, cung cấp dữ liệu cá nhân lên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Thông tin này có thể được nhiều người tiếp cận cùng một thời điểm và ở những nơi khác nhau.
Bộ phim tài liệu Ranh giới của VTV đang gây tranh cãi liên quan đến quyền được lãng quên của bệnh nhân COVID-19 và thân nhân của họ. Nhiều ý kiến cho rằng VTV cần che mặt nhân vật trong phim này để đảm bảo tính nhân văn, bảo vệ quyền riêng tư của họ. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm Google, Bing… khiến sức mạnh phổ biến thông tin của mạng Internet được khuếch đại, chỉ với việc gõ các từ khóa và một cú nhấp chuột, các đường dẫn đến trang web gốc đăng tải thông tin dễ dàng hiện ra. Điều này trái ngược với những gì xảy ra trong thế giới thực, theo đó vật chất lưu trữ thể hiện thông tin có thể bị tiêu hủy như giấy in, đĩa CD… và chỉ có thể tiếp cận bởi một số lượng người nhất định, ở một nơi xác định.
Do đó, việc kiểm soát thông tin trên mạng trở nên khó khăn hơn đối với chủ thể lưu trữ thông tin, chủ thể xử lý thông tin và chủ thể được nhắc đến trong thông tin. Nếu muốn yêu cầu xóa bỏ thông tin tồn tại trên mạng Internet, đòi hỏi việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhất định để kiểm soát sự tiếp tục xuất hiện của các thông tin đó.
Quyền được lãng quên là quyền của cá nhân đối với yêu cầu xóa dữ liệu mà cá nhân đã cung cấp và không muốn được xử lý nữa hoặc cá nhân cho rằng không có lý do chính đáng cho việc lưu trữ dữ liệu đó nữa. Do vậy, các quy định về xóa bỏ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng Internet từ yêu cầu của chủ thể dữ liệu sẽ đặt ra các nghĩa vụ pháp lý khác nhau đối với chủ thể xử lý dữ liệu - trong việc thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu, thông tin cá nhân.
Phiền toái khi bị tiếp thị đất nền, bảo hiểm
Ví dụ điển hình của việc gây phiền toái đến đời sống cá nhân là tình trạng thông tin liên lạc của người tiêu dùng được bán cho các bên tài chính hay telesale bởi bên cung cấp dịch vụ hay bên xử lý dữ liệu nhằm các mục tiêu tiếp thị. Từ đó, đặt ra vấn đề liệu chủ thể của các dữ liệu cá nhân khi chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc rời khỏi nền tảng ứng dụng có thể yêu cầu xóa các dữ liệu của mình hay không?
Nỗ lực của Việt Nam trong ghi nhận quyền được lãng quên
Báo cáo thống kê của Ookla, công ty sở hữu công cụ đo Speedtest nổi tiếng thế giới, công bố năm 2020 cho thấy 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam vào tháng 1-2020. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới Internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu (tăng hơn 10%) từ năm 2019 đến năm 2020. Trên tổng số người Việt, đã có 65 triệu người đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng.
Những số liệu này phản ánh nhu cầu cao của người Việt trong việc sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như cho phép cá nhân thực hiện quyền được lãng quên đối với những thông tin liên quan đến cá nhân mình là hết sức cần thiết.
Gần đây nhất, dự thảo nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành vào tháng 2, gồm sáu chương, 30 điều, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới dữ liệu cá nhân đã chính thức quy định quyền được lãng quên - khi cho phép chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, tại Điều 5 về quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân, chủ thể có quyền yêu cầu bên xử lý dữ liệu cá nhân hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân, chấm dứt việc tiết lộ hoặc cho phép truy cập vào dữ liệu cá nhân, xóa hoặc đóng dữ liệu cá nhân đã thu thập, trừ trường hợp được pháp luật quy định.
Tại Điều 16 về lưu trữ, xóa, hủy dữ liệu cá nhân quy định bên xử lý dữ liệu cá nhân ngừng lưu trữ, xóa dữ liệu cá nhân và hủy phương tiện lưu trữ dữ liệu cá nhân trong trường hợp: Không đúng mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã đăng ký hoặc thông báo với chủ thể dữ liệu; việc duy trì lưu trữ dữ liệu cá nhân không còn cần thiết với hoạt động của bên xử lý dữ liệu cá nhân; sau 20 năm, sau khi chủ thể dữ liệu chết, trừ khi chủ thể dữ liệu có quyết định khác.
Xét về mặt kỹ thuật, việc thực thi quyền được lãng quên trên nền tảng mạng Internet có nhiều mức độ thực thi. Trong đó, việc xóa bỏ hẳn thông tin trên không gian Internet là mức độ thực thi tuyệt đối. Ngoài ra, những phương thức hạn chế khả năng tiếp cận thông tin cá nhân bằng việc xóa bỏ các đường dẫn hiển thị từ các công cụ tìm kiếm hoặc khử nhận dạng dữ liệu cá nhân, hoặc ẩn danh dữ liệu cá nhân là những cách dễ làm nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin.
Theo đó, khử nhận dạng dữ liệu cá nhân là quá trình ẩn danh hoặc xóa các nội dung định danh, hoặc thay thế chúng bằng tên, hoặc mã giả tưởng khác để tạo ra dữ liệu mới không thể xác định một cá nhân cụ thể. Còn ẩn danh dữ liệu cá nhân là quá trình chuyển đổi dữ liệu cá nhân thành một dạng dữ liệu mới và không thể đảo ngược thành dữ liệu cá nhân.
Đây là những nỗ lực hết sức quan trọng của các nhà lập pháp trong quá trình pháp điển hóa quyền được lãng quên của chủ thể dữ liệu, cho phép chủ thể dữ liệu cá nhân có quyền yêu cầu xóa dữ liệu, đóng dữ liệu cá nhân hoặc hạn chế bên thứ ba tiếp cận dữ liệu cá nhân.
Bài toán cân bằng với các quyền cơ bản
Quyền được lãng quên không được xem là một quyền tuyệt đối của cá nhân, mà trong nhiều trường hợp việc xóa thông tin hay dữ liệu liên quan đến một cá nhân cần được cân bằng với các quyền cơ bản khác của con người như quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin.
Bài toán cân nhắc có xóa bỏ thông tin hay không trên cơ sở yêu cầu của cá nhân, dựa vào so sánh các quyền lợi đời sống riêng tư của cá nhân và quyền lợi tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận của cá nhân khác và của toàn xã hội trong từng tình huống cụ thể. Nhìn chung, việc cân nhắc xóa bỏ sẽ xem xét liệu thông tin này có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng hay không, đồng thời cân nhắc giữa lợi ích đó với các quyền cần được bảo vệ của cá nhân.
Mối quan tâm của xã hội đối với một số thông tin nhất định thay đổi tùy theo trường hợp. Nếu thông tin đó liên quan đến một nhân vật của công chúng, có sự ảnh hưởng nhất định trong xã hội, thông tin đó khó được xóa bỏ vì nhu cầu của công chúng để tiếp cận thông tin lớn hơn nhiều so với quyền riêng tư của cá nhân, hoặc những trường hợp tội phạm nghiêm trọng gây ra các hành vi tội ác dã man, khi đó nhân loại cần được nhắc nhở và ghi nhớ để lên án tội ác, đấu tranh cho các hành vi tội phạm không thể tiếp tục xảy ra trong tương lai.