Suy nghiệm Keats (Keats heuristic) là gì?

Suy nghiệm Keats (Keats heuristic) là gì?

Suy nghiệm Keats trong tiếng Anh là Keats heuristic.

Suy nghiệm Keats là suy nghiệm đặt theo tên nhà thơ John Keats. Nội dung của suy nghiệm Keats như sau: mức độ đáng tin của một thông điệp được đánh giá dựa trên độ thẩm mĩ của thông điệp đó. Nói cách khác, thông điệp được truyền tải càng hay thì càng đáng tin.

Thí nghiệm về suy nghiệm Keats

Năm 1999, McGlone và Tofighbakhsh đã mời 80 sinh viên tham gia thí nghiệm đánh giá mức độ đáng tin của các câu nói vần điệu.

20 sinh viên được mời tham gia đánh giá câu nói trước để chọn ra 30-50 câu có vần điệu xa lạ. Các câu nói này được chọn lựa sao cho những người tham gia thí nghiệm sau đó có thể đánh giá mức độ đáng tin một cách khách quan nhất.

Các câu nói sau đó được nhóm nghiên cứu điều chỉnh lại, sao cho ý nghĩa câu nói không đổi, nhưng mất đi vần điệu.

Tiếp theo, 60 sinh viên còn lại được mời đánh giá mức độ đáng tin của các câu nói gốc (có vần điệu) lẫn câu nói được điều chỉnh (không có vần điệu) .

Kết quả cho thấy những người tham gia thí nghiệm cho rằng thông điệp trong câu nói có vần điệu đáng tin hơn thông điệp trong các câu không có vần điệu, dù rằng các câu này có cùng ý nghĩa.

Ứng dụng trong kinh doanh của Suy nghiệm Keats

Các thông điệp truyền tải nên có vần điệu, đẹp như thơ nhạc (nếu là thơ nhạc luôn thì càng tốt)

Bài học này đã được ông cha ta ứng dụng từ xa xưa. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao đều có vần điệu.

Ứng dụng ở đây đã quá rõ ràng: đừng bao giờ bỏ quên tính thơ, tính nhạc khi truyền tải thông điệp. Vì tiếng Việt là một ngôn ngữ nhiều thanh sắc, nên điều này càng phải được chú ý.

Không phải là ngẫu nhiên khi nhiều công ty đã chi số tiền khổng lồ để mua ý tưởng cho những thông điệp truyền cảm hứng hay kì công biến các bài quảng cáo thành cả một bài nhạc ngắn (Bạn muốn mua ti vi?...)

Bởi vậy mới nói:

Để lòng khách khỏi hoài nghi

Đừng quên chân lí phải đi với vần

(Tài liệu tham khảo: Hiệu ứng chim mồi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Blog Category

Tags